Độ trễ càng ngắn, chính sách càng hiệu quả
Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam, nhấn mạnh các chính sách và giải pháp đối phó với dịch Covid-19 của Việt Nam hiện nay nhanh và hiệu quả, chính sách về kinh tế cũng kịp thời, tuy nhiên cần lưu ý tránh độ trễ trong khâu thực thi.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến quá phức tạp, ADB dự báo năm nay tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đạt 4,8%, đây là dự báo khả quan hay bi quan, thưa ông?
Covid-19 gây ra cuộc khủng hoảng y tế và sức khỏe lớn, phạm vi gần như đã khắp toàn cầu, tốc độ lây lan rất nhanh và gây tác động đến kinh tế rất lớn, vượt ngoài dự đoán. Trong bối cảnh đó, khó có mô hình nào có thể dự đoán được chính xác, các dự báo chỉ mang tính chất tương đối và có thể thay đổi nhanh. Đến lúc này, kịch bản cơ sở là tăng trưởng của Việt Nam có thể đạt 4,8%, tôi nghĩ là phù hợp.
Theo tôi không nên nhìn vào các kịch bản, các con số dự báo cụ thể nhiều. Tất nhiên, các tổ chức quốc tế khi xây dựng và công bố các báo cáo của mình đều phải đưa ra các con số dự báo cụ thể; nhưng lúc này, không nên quá phụ thuộc vào những con số dự báo đó mà cần đọc được những gì nằm đằng sau những con số dự báo đó thì sẽ có ý nghĩa hơn.
Vậy đằng sau những con số dự báo đó là gì, thưa ông?
Tôi cho rằng, điểm quan trọng nhất là tất cả các nước đều thống nhất phải quyết tâm kiểm soát và dập tắt được dịch bệnh càng sớm càng tốt. Còn nếu không dập tắt được dịch thì ngay cả khi đã đưa ra kịch bản dự báo về một con số tiêu cực nhất rồi, cũng chưa chắc đã phản ánh hết được thực tế thiệt hại mà dịch bệnh mang lại.
Có hai yếu tố ở Việt Nam hiện nay mà tôi cho rằng nếu chỉ nhìn vào con số dự báo sẽ không phản ánh được. Đó là thực tế Việt Nam đang kiểm soát được dịch bệnh rất tốt và vấn đề rất quan trọng nữa là Việt Nam đảm bảo được an ninh lương thực. Các con số như dự báo tăng trưởng GDP 4,8% năm 2020 của ADB, hay thực tế tăng trưởng 3,8% trong quý I vừa qua không phản ánh được những yếu tố như vậy. Hai yếu tố này rất quan trọng.
Chúng ta thử hình dung, nếu xảy ra tâm lý hoảng loạn do dịch bệnh lan rộng sẽ ngay lập tức dẫn đến lạm phát tăng, sức ép lên tỷ giá… tức là tác động ngay đến ổn định vĩ mô. Vì vậy, việc kiểm soát, tiến tới dập tắt được dịch bệnh không chỉ liên quan đến y tế và sức khỏe mà còn là một trong những động lực rất quan trọng để bảo đảm KTVM ổn định.
Vấn đề an ninh lương thực Việt Nam cũng đảm bảo được, trong khi nếu chúng ta nhìn qua các nước khác thì rất nhiều nước dường như bắt đầu bị lâm vào khủng hoảng lương thực, đặc biệt là những nước nhập khẩu lương thực.
Ông có thể cho biết đánh giá chung của ADB về các giải pháp đối phó với dịch Covid-19 của Chính phủ Việt Nam hiện nay?
Chúng tôi đánh giá các giải pháp đối phó về y tế với đại dịch Covid-19 của Chính phủ Việt Nam hiện nay là rất nhanh, hiệu quả mà chi phi thấp. Đây là điểm nhấn rất quan trọng, bởi vì có một số nước mặc dù kiểm soát cũng nhanh, hiệu quả nhưng chi phí lại rất cao.
Còn về mặt kinh tế, các chính sách được đưa ra cũng rất kịp thời, có chọn lọc như tập trung vào gói tín dụng 285.000 tỷ đồng và các gói hỗ trợ tài khóa. Chính sách kịp thời nhưng vấn đề đặt ra liệu thực hiện chính sách có kịp thời hay không. Bởi vì có một hiện tượng hay xảy ra ở Việt Nam là trong lúc Chính phủ đưa ra các chính sách chỉ đạo rất kịp thời, nhưng đi xuống triển khai thực hiện thì lại chậm.
Vì vậy cần làm thế nào để thực hiện chính sách cũng nhanh như khi ra chính sách thì như vậy mới giúp được DN, hộ kinh doanh và người dân vốn đang rất cần các hỗ trợ trong lúc này. Còn nếu không sẽ làm giảm hiệu quả của chính sách đi rất nhiều.
Ông có thể cho biết những định hướng hỗ trợ của ADB, đặc biệt là các nguồn tiếp cận vốn cho Việt Nam trong đối phó với dịch cũng như cho giai đoạn hậu dịch để phục hồi nền kinh tế?
Ngày 18/3, ADB đã công bố gói hỗ trợ là 6,5 tỷ USD cho tất cả các nước châu Á. Ngay sau đó, trong các ngày 20/3 và 24/3, Chủ tịch ADB đã điện đàm với Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHNN và cho biết, Ban điều hành ADB sẵn sàng cho Việt Nam vay từ 300 triệu USD đến 500 triệu USD và thậm chí có thể hơn trong gói hỗ trợ đó. Đây là nguồn vốn để hỗ trợ ứng phó với đại dịch Covid-19 nên gói này sẽ được thông qua và giải ngân rất nhanh. Cụ thể, nếu như Việt Nam có đề nghị vay thì ADB có thể thông qua và giải ngân ngay trong tháng 5 tới.
Nguồn hỗ trợ thứ hai là vốn ODA. Nếu các thủ tục thông thoáng thì chúng tôi hy vọng có thể giải ngân được từ 400 triệu USD đến 500 triệu USD trong năm nay. Giải ngân được nguồn này rất rốt, bởi nó giúp bù đắp được phần nào cho sự sụt giảm của đầu tư tư nhân trong lúc khó khăn hiện nay. Bên cạnh đó, các dự án từ nguồn này đều tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng, qua đó đảm bảo cho tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn.
Khoản thứ ba là hỗ trợ ngành y tế. Hiện ADB có dự án hỗ trợ Việt Nam phát triển y tế cơ sở (đã được duyệt từ năm 2018). Dự án này gồm hai khoản: Khoản 88,6 triệu USD vay ưu đãi để hỗ trợ ngân sách y tế và khoản viện trợ không hoàn lại 12 triệu USD. Hiện 2 khoản này đến nay vẫn chưa được giải ngân và cần cố gắng hoàn thiện các thủ tục để giải ngân trong năm nay, trong đó tốt nhất là vào thời điểm này.
Xin cảm ơn ông.