Độ tuổi nào cần thực hiện sàng lọc ung thư cổ tử cung để dự phòng các yếu tố nguy cơ?
GĐXH – Phụ nữ từ 21-65 tuổi, đã quan hệ tình dục, ưu tiên cho nhóm phụ nữ nguy cơ trong độ tuổi từ 30-50 nên thực hiện sàng lọc ung thư cổ tử cung để dự phòng các yếu tố nguy cơ mắc bệnh.
Trong Tài liệu bổ sung Hướng dẫn hoạt động dự phòng, sàng lọc, phát hiện sớm và quản lý ung thư vú, ung thư cổ tử cung tại cộng đồng thuộc Đề án 818 đến năm 2030 nêu rõ, ung thư cổ tử cung hiện đang là một trong những ung thư phổ biến hiện nay ở nữ giới. Tại Việt Nam ung thư cổ tử cung chỉ sau ung thư vú và có tỉ lệ tử vong cao do bệnh thường phát hiện ở giai đoạn muộn. Tuy nhiên, nếu phát hiện và điều trị sớm thì sẽ giảm được gánh nặng bệnh tật và tỉ lệ tử vong. Do đó, nhu cầu sàng lọc bệnh trên diện rộng và có hệ thống là cần thiết.
Nguyên nhân hàng đầu gây ung thư cổ tử cung là virus sinh u nhú ở người HPV (Human papilloma virus). Khi nhiễm HPV, nguy cơ ung thư tăng 15 lần, nhưng nguy cơ này tăng lên đến 38,5 lần khi nhiễm ở độ tuổi dưới 25.
HPV có thể lây lan từ người này sang người khác khi tiếp xúc da với da, đặc biệt là lây lan thông qua quan hệ tình dục, bao gồm cả quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn và thậm chí cả đường miệng.
Ngoài ra, có một số yếu tố liên quan đến tiền sử tình dục có thể làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung bởi việc tăng khả năng tiếp xúc với HPV bao gồm: Quan hệ tình dục khi còn trẻ (đặc biệt là dưới 18 tuổi), quan hệ tình dục không an toàn, có nhiều bạn tình.
Tuổi mà phụ nữ bắt đầu lần quan hệ tình dục đầu tiên của họ cũng được coi là một yếu tố nguy cơ của ung thư cổ tử cung vì tổn thương có thể gây ra cho cổ tử cung vào thời điểm nó vẫn đang phát triển.
Nguy cơ nhiễm HPV và ung thư cổ tử cung ở phụ nữ bắt đầu quan hệ tình dục khoảng 15 tuổi đã được chứng minh là cao gấp đôi so với những người có quan hệ tình dục sau 20 tuổi (theo WHO).
Quan hệ tình dục không an toàn dẫn đến mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như chlamydia, lậu, giang mai và HIV/AIDS… cũng làm tăng nguy cơ nhiễm HPV.
Ngoài ra, các yếu tố khác như vệ sinh sinh dục, hút thuốc lá, sử dụng thuốc tránh thai và chế độ ăn cũng có vai trò nhất định trong bệnh sinh ung thư cổ tử cung.
Theo các bác sĩ, mục tiêu của khám tầm soát ung thư cổ tử cung là phát hiện sớm tiền ung thư hoặc ung thư khi nó có khả năng điều trị và chữa khỏi cao hơn. Những thay đổi tiền ung thư có thể được phát hiện bằng xét nghiệm và được điều trị để ngăn ngừa ung thư phát triển.
Các đối tượng cần sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng các phương pháp VIA/VILI hoặc xét nghiệm HPV đơn độc hoặc đồng thời với tế bào học là những phụ nữ trong độ tuổi từ 21-65, đã quan hệ tình dục, ưu tiên cho nhóm phụ nữ nguy cơ trong độ tuổi từ 30-50.
Độ tuổi Từ 21- 65: sàng lọc theo phác đồ, nếu sau 3 lần xét nghiệm sàng lọc liên tiếp có kết quả âm tính thì có thể giãn thời gian sàng lọc mỗi chu kỳ thêm 1-2 năm.
Trên 65 tuổi: có thể ngừng sàng lọc nếu có: Ít nhất 3 lần xét nghiệm sàng lọc có kết quả âm tính, hoặc ít nhất 2 lần sàng lọc đồng thời bằng tế bào học và HPV có kết quả âm tính; không có kết quả xét nghiệm bất thường trong vòng 10 năm trước đó; đã cắt tử cung toàn phần vì bệnh lý lành tính.
Hiện nay, để dự phòng ung thư cổ tử cung, đã có 3 loại vaccine được cấp phép và đang được sử dụng: vaccine 2 type HPV (HPV 16 và 18), vaccine 4 type HPV (bao gồm thêm type 5 và 11 gây ra 90% u vùng sinh dục), vaccine 9 type HPV bao gồm thêm HPV31,33,45,52,58 – 15% type HPV gây ung thư ở nữ và 4% type HPV gây ung thư ở nam.
Cả hai nhóm vaccine cho 2 loại HPV và vaccine cho 4 loại HPV đều có hoạt động bảo vệ qua lại có ý nghĩa chống lại các type HPV khác. Cả 3 loại vaccine đề hiệu quả chống lại nhiễm HPV và tân sản ở cổ tử cung, âm đạo, âm hộ và hậu môn.
Sử dụng vaccine dự phòng HPV có thể hiệu quả trong việc ngăn ngừa nhiễm virus và bệnh liên quan đến type virus mà vaccine chống lại. Hiệu quả của vaccine trong gánh nặng ung thư được xác định, được mong đợi giảm > 70% của ung thư cổ tử cung.