Đồ uống có đường đang đưa người Việt đến gần 'đại dịch đường'
Tỷ lệ người Việt được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường đang ngày càng tăng cao và trẻ hóa.
Theo Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới (IDF), dân số mắc căn bệnh này sẽ tăng từ 463 triệu người vào năm 2019 lên khoảng 700 triệu người năm 2045. Trong số đó, gần 80% người bệnh sống ở các nước thu nhập trung bình, thấp.
Trong "đại dịch đái tháo đường thế giới", tỷ lệ người châu Á mắc bệnh chiếm đến 60%. Việt Nam cũng không ngoại lệ với tỷ lệ hiện mắc bệnh đái tháo đường ngày càng cao.
“Đại dịch đái tháo đường thế giới”
Theo bác sĩ chuyên khoa II Thái Văn Hùng, Phó khoa Nội tiết, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, đồ uống có đường bao gồm nước ngọt có gas hoặc không có gas, cà phê hòa tan, trà hòa tan, nước có pha chế hương liệu, sữa pha chế hương liệu, nước uống thể thao tăng lực.
Năm 2002, trung bình người Việt chỉ dùng 6,04 lít/năm đồ uống có đường. Đến năm 2021, con số này tăng lên 55,78 lít/năm. Con số này cho thấy chỉ sau gần 20 năm, sử dụng đồ uống có đường ở nước ta đã tăng gấp 10 lần.
Bên cạnh đó, lượng đường tự do mà mỗi người tiêu thụ cũng tăng dần theo thời gian và cao hơn rất nhiều so với khuyến cáo.
Theo bác sĩ Hùng, hiện trung bình một người Việt tiêu thụ khoảng 46,5 g đường tự do/ngày, gần bằng mức giới hạn tối đa là 50 g/ngày. Số lượng này cũng cao gần gấp đôi so với mức khuyến cáo là 25 g/ngày.
"Hiện nay, đái tháo đường trở thành 'đại dịch' trên toàn thế giới với tỷ lệ mới mắc và tần suất lưu hành ngày càng gia tăng", bác sĩ Thái Văn Hùng nhấn mạnh.
Theo số liệu từ bác sĩ Hùng, năm 2019, Việt Nam có tỷ lệ mắc đái tháo đường type II khoảng 5,7%, tức khoảng 3,8 triệu người. Dự kiến đến năm 2045, tỷ lệ này tăng lên 7,7%. Với tốc độ này, số người mắc đái tháo đường sẽ tăng lên gần gấp đôi, tương đương 6,1 triệu người.
Tại TP.HCM, tỷ lệ hiện mắc đái tháo đường type II ước tính khoảng 11%. Trong khi đó, tỷ lệ này chỉ ở mức 3,8% năm 2004.
Tại Việt Nam, nhiều nghiên cứu cho thấy tổn thất rất lớn về kinh tế - xã hội do bệnh không lây nhiễm gây ra.
"Tiêu thụ đồ uống có đường làm tăng nhanh mức calo trong khẩu phần vì đánh lừa cảm giác no. Đồ uống có đường cũng là tác nhân đưa đến hàng loạt hiểm họa sức khỏe khác ngoài tiểu đường, bao gồm thừa cân béo phì, rối loạn chuyển hóa, hệ xương răng, bệnh tim mạch, sa sút trí tuệ, ung thư...", bác sĩ Hùng nói.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện trên thế giới có 6,5 triệu người béo phì cần điều trị, số tiền điều trị cho béo phì rất lớn. Tỷ lệ tử vong liên quan tới béo phì gấp 2 lần tỷ lệ tử vong của ung thư vú và đại trực tràng cộng lại.
Cần nhanh chóng kiểm soát tiêu thụ đồ uống có đường
Bên cạnh đó gánh nặng bệnh đái tháo đường, tỷ lệ thừa cân và béo phì ở trẻ em Việt Nam đã tăng gấp đôi từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020. Đáng lo ngại là gần 1/3 trẻ em tiêu thụ nước ngọt thường xuyên ít nhất một lần/ngày.
Theo bác sĩ Thái Văn Hùng, các nghiên cứu ở trẻ em và vị thành niên đều cho thấy mối tương quan thuận chiều giữa việc tiêu thụ các loại đồ uống có đường với việc gia tăng hàm lượng mỡ cơ thể hay tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ em.
Việc tiêu thụ nhiều và thường xuyên đồ uống có đường khiến cho trẻ có nguy cơ bị thừa cân, béo phì cao hơn đáng kể so với những trẻ không uống.
Bác sĩ Hùng cho rằng Nhà nước cần có hành động kịp thời, nhất là các chính sách vĩ mô nhằm hạn chế những ảnh hưởng của đồ uống có đường đối với sức khỏe, đặc biệt là chính sách về tài chính được WHO khuyến cáo nhằm giảm tiêu thụ đồ uống có đường.
Chuyên gia này lý giải một số quốc gia đã bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Năm 2021, ít nhất 50 quốc gia có kế hoạch thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này. Trong khi đó, năm 2012 chỉ có khoảng 15 quốc gia.
Tại ASEAN, 6/10 quốc gia đã thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường.
"Trước thực trạng gia tăng đáng lo ngại gánh nặng bệnh tật liên quan đồ uống có đường, chúng ta cần xem xét một cách nghiêm túc các giải pháp để bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong tương lai", bác sĩ Hùng nói.
Trao đổi với Zing trước đó, TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), Trưởng Ban tư vấn, phản biện và giám định xã hội, Tổng hội Y học Việt Nam, cho rằng việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường là hợp lý.
Đây sẽ là giải pháp có ý nghĩa trong bối cảnh gia tăng tỷ lệ các bệnh không lây nhiễm liên quan thói quen ăn uống “vô tội vạ”, không kiểm soát đường.
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh đồ uống càng nhiều đường càng phải chịu thuế cao. Đây là cách đánh thuế có lợi cho y tế công cộng nhất.