Đỗ xe gây tai nạn giao thông có bị xử lý trách nhiệm hình sự không?

Hiện nay, tình hình vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ ngày càng phổ biến và có chiều hướng gia tăng đặc biệt là những vụ tai nạn liên quan đến hành vi đỗ xe ô tô khiến người tham gia giao thông đâm vào xe ô tô dẫn đến hậu quả chết người.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Để xác định hành vi đỗ xe đó có vi phạm Luật giao thông đường bộ không và có lỗi hay không thực tế cho thấy nhiều người còn chưa nắm rõ? Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, trên cơ sở nghiên cứu các quy định của pháp luật thì mọi người cần nắm rõ những quy định sau đây:

Thứ nhất, theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ quy định: “Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết".

Theo quy định trên, thì sau khi đỗ xe, nếu xe chiếm mất một phần đường thì chủ phương tiện phải thực hiện đồng thời: Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết; phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe cho người khác biết.

Thứ hai, theo Thông tư số 54/2019/TT-BGTVT ngày 31/12/2019 của Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ (mã số đăng ký QCVN 41:2019/BGTVT), tại Điều 34.5 quy định: "Hạn chế sử dụng biển báo nguy hiểm và cảnh báo tràn lan nếu các tính chất không thực sự gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông".

Thông tư số 54/2019/TT-BGTVT ngày 31/12/2019 của Bộ Giao thông vận tải, là văn bản hướng dẫn các quy định của Luật Giao thông đường bộ, trong đó có quy định về việc đặt biển báo hiệu nguy hiểm. Theo quy định tại Điều 34.5 của Quy chuẩn 41 là quy định cụ thể hướng dẫn quy định chung tại điểm d khoản 3 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ điều này cũng có nghĩa là: không phải mọi trường hợp đỗ xe thì đều phải đặt biển cảnh báo nguy hiểm, mà chỉ đặt biển cảnh báo nguy hiểm khi thấy vị trí, tính chất, hoàn cảnh đỗ xe, tùy thuộc vào loại đường có thể gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Theo các quy định trên thì chúng ta có thể hiểu: Trường hợp các phương tiện ô tô dừng đỗ sát lề đường, mép đường bên phải (nếu không phải đoạn đường có biển báo cấm dừng, đỗ), mà không có dấu hiệu gây cản trở, ùn tắc giao thông hay tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, phần đường còn lại đủ rộng để các phương tiện tham gia giao thông di chuyển bình thường, điều kiện ánh sáng bình thường, đoạn đường không bị che khuất tầm nhìn thì việc đỗ xe như vậy không gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Trong trường hợp này khi có vụ tai nạn xảy ra thì có căn cứ để xác định chủ xe không phạm tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự.

Trường hợp các phương tiện ô tô dừng đỗ sát lề đường, mép đường bên phải (nếu không phải đoạn đường có biển báo cấm dừng, đỗ) nhưng đã chiếm hết làn đường bên phải, gây cản trở và tiềm ẩn gây tai nạn giao thông. Mặt khác thời điểm xảy ra là ban đêm nên khả năng quan sát bị hạn chế, điều kiện ánh sáng không tốt thì chủ xe phải đặt biển cảnh báo nguy hiểm phía trước và phía sau xe ô tô, bật xi nhan cảnh báo, đồng thời thực hiện thêm các biện pháp khác để cảnh báo cho người tham gia giao thông biết. Trong trường hợp này nếu không tuân thủ đúng quy định của pháp luật về đỗ xe thì hành vi đỗ xe này có căn cứ để xác định chủ xe đã phạm tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự.

Qua những phân tích trên và theo quy định của pháp luật thì việc xác định hành vi đỗ xe có lỗi hay không rất quan trọng trong việc xác định chủ xe có bị xử lý trách nhiệm hình sự hay không? Tùy vào từng trường hợp cụ thể thì các cơ quan chức năng sẽ đánh giá, xác định một cách đúng đắn và khách quan để giải quyết vụ việc, vụ án theo đúng quy định của pháp luật.

Hoàng Đăng Luân

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/do-xe-gay-tai-nan-giao-thong-co-bi-xu-ly-trach-nhiem-hinh-su-khong-post464543.html