Đổ xô mở ngành đào tạo y khoa: Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay!
Theo các chuyên gia, siết chặt đầu ra sẽ khiến các cơ sở giáo dục đại học nghiêm túc hơn trong việc mở ngành đào tạo y khoa, điều này sẽ ngăn tình trạng 'thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào'.
“Thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”
Đào tạo y khoa thời gian dài vốn thuộc về các cơ sở giáo dục công lập, nhưng mấy năm gần đây, có nhiều trường đại học tư thục tham gia vào đào tạo lĩnh vực này. Đơn cử như Trường Đại học Hoa Sen, Trường Đại học Văn Lang, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng, Trường Đại học Duy Tân, Phan Châu Trinh, Buôn Ma Thuột, Nguyễn Tất Thành, Nam Cần Thơ, Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, Đại Nam, Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu… Nếu tính số lượng các trường đại học đào tạo các chuyên ngành liên quan đến y dược có truyền thống thì phải nói rằng đang có tình trạng mở ngành đào tạo y dược như “nấm mọc sau mưa”.
Khi lượng các trường tham gia đào tạo y khoa tăng lên một cách đột biến thì kèm theo đó là nỗi lo về chất lượng đầu ra của bác sĩ từ những ngôi trường này cũng tăng lên. Theo Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường: “Nếu những cơ sở đào tạo không có truyền thống đào tạo chăm sóc sức khỏe; Không phải là những nơi có được các cơ sở khám chữa bệnh đã được đánh giá có đạt được tiêu chuẩn, chất lượng, xã hội thừa nhận khả năng để chăm sóc sức khỏe giờ mở ngành y thì đáng lo ngại. Bởi các yếu tố để đảm bảo chất lượng đầu ra không chắc chắn”.
Thậm chí nhiều chuyên gia thẳng thắn bày tỏ, không tưởng tượng được một trường có chưa đến 50 giảng viên cơ hữu chuyên ngành mà vẫn dám mở đào tạo ĐH ngành y đa khoa, vì con số đó quá nhỏ nhoi so với yêu cầu.
Ngược lại với tâm trạng lo lắng trên, các nhà trường lại rất lạc quan. Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, GS.TS Nguyễn Lộc - Hiệu trưởng trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu (BVU) cho biết, việc BVU triển khai các công việc liên quan để tổ chức đào tạo y khoa mà rộng hơn là nhóm ngành sức khỏe xuất phát từ thực tiễn nhu cầu nhân lực, đặc biệt là tại tỉnh này, kế đến là vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Các trường đại học đổ xô tham gia đào tạo khối ngành sức khỏe, y khoa đang khiến nhiều người lo lắng (ảnh minh họa).
Chỉ tính riêng tại Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh đạt tổng giá trị sản xuất có những năm xếp thứ 3 trong cả nước nhưng chưa có cơ sở đào tạo nhóm ngành sức khỏe trình độ đại học. Tỉnh đã và đang đầu tư rất lớn về hạ tầng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ thống y tế nhưng đội ngũ chưa đáp ứng đủ. Trong chiến lược phát triển của tỉnh những năm gần đây, du lịch kết hợp với nghỉ dưỡng là một trong những trụ cột để đột phá về tăng trưởng kinh tế, do đó nhu cầu nhân lực tại chỗ nhóm ngành khoa học sức khỏe trong đó có ngành y, dược là rất cấp thiết.
Trong khi đó, Viện Sĩ. PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện – Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen (HSU) lại cho rằng, nhu cầu về nguồn nhân lực trong lĩnh vực dịch vụ sức khỏe rất lớn, đặc biệt sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Hệ thống cơ sở đào tạo đại học ngành y hiện tại được cho là không đáp ứng được đòi hỏi của xã hội về số lượng chuyên gia ngành y phục vụ cho cộng đồng. HSU là trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực, đã có nhiều kinh nghiệm về mở rộng lĩnh vực đào tạo, quyết định đào tạo khối ngành sức khỏe nằm trong kế hoạch phát triển của nhà trường, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội.
Siết đầu ra ngăn chặn đào tạo kém chất lượng
Trước thắc mắc việc các trường đổ xô mở ngành đào tạo sức khỏe, phía Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu quan điểm, theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học, nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định, các cơ sở giáo dục đại học được quyền bình đẳng trong mở các chương trình đào tạo mới để tổ chức đào tạo cung cấp nguồn nhân lực cho các thành phần kinh tế khác nhau.
Thực tế không thể cấm trong việc mở ngành đào tạo sức khỏe nên các chuyên gia cho rằng cần phải tìm cách quản. GS.TS Nguyễn Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược, ĐH Quốc gia Hà Nội góp ý, để duy trì được chất lượng đào tạo nhóm ngành sức khỏe, phải có sự vào cuộc giám sát mạnh mẽ của các tổ chức nghề nghiệp, các cơ quan quản lý, xã hội vì tại nhiều nơi, nhiều trường, tính tự giác học thuật chưa được đề cao.
Liên quan đến vấn đề này, nhiều người hy vọng sự ra đời của Hội đồng Y khoa Quốc gia sẽ chấn chỉnh được tình trạng. Một trong những nhiệm vụ trước mắt của tổ chức này là sẽ sớm xây dựng cơ chế tổ chức các kỳ thi định kỳ cấp chứng chỉ hành nghề y dành cho sinh viên y khoa mới tốt nghiệp. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hầu hết các nước trên thế giới, việc thi cấp chứng chỉ hành nghề có giới hạn về thời gian đã được thực thi. Do đó, việc thôi thúc đổi mới toàn diện đào tạo y khoa ở nước ta là vấn đề cấp thiết; lựa chọn việc thi cấp chứng chỉ hành nghề là khâu đột phá để tạo ra sự thay đổi, tạo động lực tác động đến sự thay đổi về chương trình, nội dung, thời gian đào tạo y khoa.
Càng ngày, kỹ thuật ngành y đòi hỏi người bác sĩ phải được đào tạo một cách bài bản và khoa học (ảnh minh họa).
Bình luận về tổ chức thi cấp chứng chỉ hành nghề cho sinh viên y khoa sau khi ra trường, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam nhận định: “Nếu xét góc độ giải pháp tình thế thì được. Trong tình hình rối loạn, hệ thống kiểm định chương trình chưa có hiệu quả rõ ràng để tránh tình trạng đào tạo xô bồ như hiện nay thì phải có Hội đồng Y khoa Quốc gia. Nhưng, giải pháp để tồn tại lâu dài thì không nên. Bởi, Hội đồng không làm xuể. Nếu tập trung quyền lực cho Hội đồng thì dễ tạo ra cơ chế xin cho. Nếu làm đánh giá đầu vào thì phải giao cho Hiệp hội nghề nghiệp chứ không tập trung quyền lực cho Bộ Y tế, đây mới là giải pháp lâu dài”.
Qua trao đổi từ phía chuyên gia, các nhà trường và thông tin từ các cơ quan quản lý có thể thấy đào tạo y khoa được xem là một lĩnh vực đầy tiềm năng mà các trường mong muốn tham gia. Nếu quản lý tốt, đảm bảo cam kết đầu ra thì sẽ thúc đẩy sự phát triển của nghề y trong tương lai nhưng nếu buông lỏng quản lý thì đây sẽ là một “ma trận” khó kiểm soát và hệ lụy mang lại cho xã hội là rất khó lường.
Rất lo khi trường đa ngành đào tạo y khoa
Ngược lại với các nhà trường thì các chuyên gia rất lo lắng việc đổ xô mở ngành đào tạo y khoa. Theo PGS. Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch thường trực Hội Khuyến học Việt Nam, cần siết chặt việc cấp giấy phép đào tạo ngành y. Việc các trường đào tạo muốn đào tạo y khoa phải đảm bảo cơ sở vật chất. Còn việc thi cấp chứng chỉ nghề thì nên trao cho hiệp hội nghề y. Ở một số nước những người hành nghề phải được hiệp hội nghề y cấp chứng thực, tức là tốt nghiệp ra có hành nghề được hay không phải được sự đồng ý của hiệp hội này. Không có chuyện cứ học xong là đi làm, việc này được làm rất chặt chẽ. Nhưng làm chặt chẽ mà cho phép các trường đa ngành đào tạo y khoa là không hợp lý.