Dọa nạt dân, cán bộ ở Thừa Thiên - Huế sẽ bị xử lý thế nào?
Luật sư cho rằng nếu ông Dũng sai phạm như người dân tố cáo, cán bộ này có thể bị nhắc nhở, phê bình công khai hoặc bị xử lý với hình thức nặng hơn theo quy định pháp luật.
Tổ công tác của Sở Nội vụ Thừa Thiên - Huế đang làm việc với Công an phường Xuân Phú (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) để xác minh việc ông Hà Tiến Dũng, Phó trưởng Phòng xây dựng chính quyền và công tác thanh niên, thách thức người dân khi mâu thuẫn về việc đỗ xe.
Ông Dũng bước đầu thừa nhận trong lúc nóng giận đã có phát ngôn không chuẩn mực. Bản tường trình của cán bộ này chưa được Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên - Huế chấp thuận do còn chung chung.
Nếu tố cáo của người dân về việc bị ông Dũng đe dọa là đúng sự thật, cán bộ này sẽ bị xử lý thế nào?
Luật sư Trần Hậu (Công ty Luật Hợp danh FDVN, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng), cho biết các quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan Nhà nước quy định cụ thể, liệt kê thành những quy tắc. Ngày 23/6/2021, Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 758/QĐ-BNV về Quy tắc ứng xử áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Quyết định nêu rõ khi ứng xử tại nơi công cộng, cán bộ, công chức, viên chức phải thể hiện sự văn minh, lịch sự trong giao tiếp, ứng xử; không được vi phạm các chuẩn mực về thuần phong mỹ tục tại nơi công cộng.
Cán bộ, công chức, viên chức không được có thái độ hoặc hành vi quan liêu, cửa quyền, hách dịch, nhũng nhiễu, hạch sách người dân, gây căng thẳng, bức xúc, dọa nạt người dân…
Khi vi phạm các quy tắc này, tùy mức độ sẽ bị nhắc nhở, phê bình công khai tại tổ chức nơi công tác. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định pháp luật.
Nói về chế tài, luật sư Trần Duyên (Đoàn luật sư Đà Nẵng) cho biết hình thức xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức được quy định tại Nghị định 112/2020/NĐ-CP. Tùy tính chất, mức độ vi phạm mà có các hình thức xử lý khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm đối với cán bộ; khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, buộc thôi việc đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Còn đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý sẽ có hình thức xử lý kỷ luật là khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc.
Trường hợp cán bộ, công chức có hành vi vi phạm lần đầu về đạo đức, văn hóa giao tiếp, gây hậu quả ít nghiêm trọng thì có thể bị xem xét hình thức kỷ luật khiển trách; nếu đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách mà tái phạm, hoặc vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị xử lý cảnh cáo.
Người vi phạm đã bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng thì có thể bị xử lý hình thức hạ bậc lương, giáng chức...
Biện pháp cách chức sẽ được áp dụng đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ nếu công chức đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức giáng chức mà tái phạm hoặc cán bộ đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo mà tái phạm.
Biện pháp kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức sẽ được áp dụng khi đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc hạ bậc lương đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý mà tái phạm hoặc có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Trước đó, khuya 16/4, một người đàn ông lái ôtô cá nhân đỗ trên vỉa hè làm chắn một phần lối đi vào căn hộ ở tầng 1 khu C2 chung cư Vicoland.
Thấy số điện thoại dán trên xe, chị P.T. (trú ở chung cư Vicoland) đã gọi điện, yêu cầu người đàn ông lùi xe lại. Tuy nhiên, người này không hợp tác, thách thức chị này.
"Người đàn ông này lái xe vào sát cửa nhà tôi thì sai rồi. Nhưng ông ấy còn nói chủ nhà thích gì thì chiều, muốn báo công an thì sẽ gọi giúp", chị T. nói.
Sau khi các cơ quan xác minh, tài xế trên được xác định là ông Hà Tiến Dũng, Phó phòng Xây dựng chính quyền và công tác thanh niên, Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên - Huế.