Đoàn Bắc Giang thảo luận ở tổ về một số dự thảo luật
Theo chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 10/5, các đại biểu thảo luận tại tổ. Đại biểu Trần Văn Tuấn, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang chủ trì thảo luận ở tổ số 14 (gồm các đoàn: Bắc Giang, Đồng Tháp, Khánh Hòa).
Tại đây, các đại biểu góp ý vào các dự thảo: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Đại biểu Trần Văn Tuấn chủ trì thảo luận tại tổ.
Các đại biểu nhất trí với cơ sở chính trị và cơ sở thực tiễn của việc sửa đổi các luật như đã nêu tại các tờ trình. Các nội dung được đề xuất sửa đổi, bổ sung tại 3 dự thảo luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng, bảo đảm yêu cầu cấp bách hoàn thiện thể chế thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.
Thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và giải quyết các vấn đề trong công tác quy hoạch có tính cấp bách cần xử lý ngay, nhất là những vấn đề phát sinh khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, khơi thông nguồn lực và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tham gia ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, đại biểu Leo Thị Lịch (Đoàn Bắc Giang) nêu: Khi thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp đơn vị hành chính, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, trong đó không tổ chức cấp huyện sẽ tác động đến hệ thống quy hoạch. Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu hệ thống quy hoạch theo hướng bổ sung quy hoạch xã vào khoản 1 Điều 5 đã được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 21 Điều 1 của Luật số 57/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.
Đại biểu Leo Thị Lịch cho rằng, dự thảo Luật mới chỉ có quy định chung cho các trường hợp điều chỉnh quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 bị ảnh hưởng, tác động do sắp xếp, sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp mà chưa có quy định riêng biệt về quy trình điều chỉnh quy hoạch khi thay đổi cả đơn vị hành chính cấp xã.

Đại biểu Nguyễn Văn Thi góp ý vào các dự thảo luật.
Góp ý kiến vào quy định về Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại khoản 17 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (sửa đổi khoản 2, Điều 41 Luật hiện hành), đại biểu Nguyễn Văn Thi (Đoàn Bắc Giang) cho rằng, việc thành lập Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cần tiếp tục nghiên cứu và phải được đánh giá thận trọng, cân nhắc kỹ vì mục đích, chức năng hoạt động của Quỹ có nét tương đồng với Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia.
Mặt khác, Luật Ngân sách nhà nước đã quy định về các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, Bộ luật Dân sự đã quy định về các quỹ xã hội. Do vậy, đại biểu Nguyễn Văn Thi đề nghị không nên quy định về Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong dự thảo Luật này để bảo đảm thực hiện yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật là một vấn đề, một nội dung chỉ quy định tại một luật.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Văn Thi đề nghị rà soát các quy định tại khoản 4 Điều 21, khoản 2 Điều 28, khoản 4 Điều 44 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả về thẩm quyền của UBND cấp tỉnh và cấp xã để phù hợp với chủ trương không tổ chức chính quyền cấp huyện theo Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/2/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.