Đoàn ca múa nhạc dân tộc Bình Phước đưa vị thế vươn xa
Thành lập tháng 12-2004, đến nay Đoàn ca múa nhạc dân tộc Bình Phước luôn đồng hành với các sự kiện quan trọng của tỉnh. Bên cạnh đó, mỗi năm đoàn đã đi biểu diễn hàng trăm buổi tại các xã, phường, thị trấn, vùng sâu, vùng xa, biên giới của tỉnh. Mặc dù thành lập muộn so với các đơn vị bạn nhưng đoàn đã nỗ lực vượt qua những khó khăn và gặt hái được nhiều thành tích đáng khích lệ.
Những năm vượt khó
Bình Phước là tỉnh vùng sâu, vùng xa nên việc tuyển dụng ca sĩ, diễn viên múa, nhạc công đã tốt nghiệp từ các trường nghệ thuật là điều hết sức khó khăn. Bởi hầu hết các em đã tốt nghiệp đều tâm lý tìm cơ hội hoạt động ở các thành phố lớn, không mấy mặn mà trở về địa phương. Lúc này, chỉ có Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Hoàng Phi Long, nguyên Giám đốc Nhà hát Bông Sen TP. Hồ Chí Minh, vừa nghỉ hưu đã tình nguyện về làm cố vấn nghệ thuật cho đoàn. Còn lại đội ca, đội múa và nhạc công, chỉ có một số ít được đào tạo chính quy, còn đa số là tuyển chọn từ những hạt nhân của phong trào văn nghệ quần chúng tại địa phương.
Lãnh đạo đoàn lúc này là anh Trần Minh Đức đã mời các chuyên viên là nghệ sĩ múa nổi tiếng, các nhạc sĩ có kinh nghiệm tại TP. Hồ Chí Minh về tập huấn 2 mảng ca và múa cho diễn viên của đoàn. Nhờ vậy, diễn viên ngày càng tự tin mỗi khi bước lên sân khấu biểu diễn. Về cơ sở vật chất như: thiết bị âm thanh, ánh sáng, sân khấu, nhạc cụ chưa đáp ứng yêu cầu cho công tác chuyên môn. Vì thế, mỗi lần đi biểu diễn tại các sự kiện của tỉnh, hay các huyện, thị, đoàn phải xin kinh phí, thuê thêm bên ngoài từ diễn viên cho tới trang thiết bị và phương tiện vận chuyển. Chế độ tiền lương, phụ cấp nghề nghiệp cho diễn viên theo quy định chung lúc bấy giờ rất thấp, nên các thành viên trong đoàn cũng phải bươn chải làm thêm ở bên ngoài như đi hát show để vừa bảo đảm cuộc sống vừa giữ lửa đam mê với nghề.
Bên cạnh những bộn bề của đời sống, niềm vui, niềm tự hào khi đi biểu diễn phục vụ ở vùng sâu, xa, tại thôn, sóc của đồng bào dân tộc thiểu số hoặc các đồn biên phòng là cơ hội để anh chị em nghệ sĩ và đoàn khẳng định “tên tuổi”. Đặc biệt, mỗi lần về biểu diễn phục vụ người dân vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số, đoàn nhận được rất nhiều tình cảm chân thành của bà con. Vì thế, anh chị em văn nghệ sĩ của đoàn không chỉ phục vụ biểu diễn ca múa cho bà con xem mà còn gặp gỡ làm quen, hỏi thăm gia cảnh. Có những lần không may gặp trời mưa, khán giả vẫn kéo đến xem, đoàn phải đội mưa để phục vụ tấm thịnh tình của người dân.
Trong những lần biểu diễn giao lưu với các chiến sĩ biên phòng lại là câu chuyện vui, tràn đầy cảm xúc theo chất lính. Sự cổ vũ nồng nhiệt của các chiến sĩ trẻ qua những bài hát truyền thống cách mạng, tình yêu quê hương đất nước đã vang lên, bay bổng trong khoảng trời vùng biên cương như tiếp thêm sức mạnh cho người lính trên tuyến đầu biên giới. Có những tiết mục ngẫu hứng, đã không còn khoảng cách giữa ca sĩ và khán giả, mà thành buổi giao lưu văn nghệ đầy chất lửa hào hứng. Ca sĩ của đoàn cùng hòa giọng với tiếng hát người lính trẻ, tiếng vỗ tay cổ vũ không ngớt quanh ánh lửa trại bập bùng, làm cho buổi giao lưu “sân khấu vùng biên” đầy lôi cuốn. Ca sĩ Thanh Xuân chia sẻ: Mỗi lần biểu diễn tại vùng xa xôi, biên giới tuy khá mệt nhưng ai cũng thấy vui. Mình đã có cơ hội cống hiến hết mình, để đóng góp phần nhỏ cho quê hương, nơi mình sinh ra và trưởng thành.
Dấu ấn thành tích
Tuy còn thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị, cũng như con người nhưng nhờ xác định rõ vai trò của đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp nên tập thể đoàn ca múa đã quyết tâm vượt qua khó khăn, linh hoạt với hoàn cảnh thực tế. Đoàn luôn bám sát và đồng hành với các sự kiện quan trọng của tỉnh, qua những chương trình biểu diễn được đầu tư, dàn dựng công phu đủ tầm chuyên nghiệp để khẳng định vai trò tiên phong trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật ở Bình Phước.
Các giọng ca chủ lực của đoàn được khán giả yêu mến và từng đạt nhiều thành tích cao, qua các lần hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc hay khu vực, điển hình như ca sĩ Thanh Xuân. Là gương mặt được tuyển dụng từ những ngày đoàn vừa thành lập, với sự nỗ lực của bản thân, Thanh Xuân đã không ngừng tiến bộ về giọng hát và thành tích khi đã đoạt 2 huy chương vàng qua các kỳ hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc. Phương Lan là ca sĩ được đào tạo chính quy, có giọng hát trẻ đầy nội lực, cũng có những thành tích rất đáng ghi nhận. Gần đây có Tuấn Kha, là ca sĩ được đào tạo bài bản, từ TP. Hồ Chí Minh về đầu quân cho đoàn, hiện nhận được rất nhiều tình cảm của khán giả yêu nhạc.
Để làm phong phú thêm chương trình, đoàn đã mời các nhạc sĩ, nghệ nhân khai thác chất liệu và chế tác các nhạc cụ của người S’tiêng, ứng dụng với âm nhạc điện tử đương đại, trên tinh thần làm mới âm nhạc dân tộc, để mong tiếp cận gần gũi hơn với công chúng trẻ. Đã có một số tác phẩm được dàn dựng tham gia liên hoan độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc vào năm 2020 tại TP. Hồ Chí Minh, trong đó tác phẩm “Tiếng lòng S’tiêng” đã đạt giải ba. Bên cạnh đó, đoàn sẽ tiếp tục khai thác mảng âm nhạc truyền thống của các dân tộc tiêu biểu như: Khmer, Chăm, M’nông và nhiều dân tộc khác trong số 41 dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn Bình Phước. Sự kết hợp giữa âm nhạc truyền thống với âm nhạc hiện đại sẽ là “luồng gió mới” để đoàn có thể tiếp cận gần gũi hơn với công chúng trẻ và đưa vị thế của mình vươn xa, vươn cao hơn so với các đơn vị nghệ thuật khác trong khu vực.
Trong quá trình hoạt động, Đoàn ca múa nhạc dân tộc Bình Phước đã đoạt 4 huy chương vàng, 8 huy chương bạc Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, liên hoan nghệ thuật 3 nước Đông Dương Việt Nam - Lào - Campuchia; nhiều bằng khen của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam và UBND tỉnh.
Trong 2 năm trở lại đây, đoàn đã phối hợp Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) sản xuất mỗi năm từ 4-5 chương trình ca nhạc dạng talk show phát trên sóng phát thanh và truyền hình. Đồng thời còn tham gia phục vụ những sự kiện quan trọng của đất nước và tỉnh như: Việt Nam tươi sáng (trong thời gian chống dịch Covid-19), Tự hào phụ nữ Việt Nam, Khúc tình ca người lính… đã nhận được cảm tình của khán giả gần xa…
So với những năm trước đây, đời sống cán bộ, nhân viên trong đoàn cũng từng bước được nâng lên. Đặc biệt, tỉnh đã giao cho đoàn tòa nhà tại số 624, quốc lộ 14, phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài, vốn là trung tâm văn hóa của tỉnh, có sân khấu tương đối hiện đại để đoàn có sân khấu riêng, tiện cho việc tập luyện và biểu diễn. Đây là yếu tố lý tưởng dành cho hoạt động nghệ thuật.
Chặng đường hơn 15 năm qua tuy chưa dài, song điều đáng ghi nhận là Đoàn ca múa nhạc dân tộc Bình Phước đã đạt được những thành tích rất đáng khích lệ và để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng khán giả tỉnh nhà.