Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng: Thêm âm hưởng nghệ thuật dân gian
Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng vừa công diễn những tiết mục mới được dàn dựng. Điểm nổi bật chính là việc đoàn chú trọng dựng những tiết mục mang phong cách dân gian đương đại.
Nhẹ nhàng sắc màu dân tộc
Trong danh sách 11 tiết mục mới được đoàn dàn dựng, những tiết mục mang phong cách, chất liệu dân gian, dân tộc chiếm ưu thế. Các tiết mục có sự đầu tư rõ nét từ ý tưởng nghệ thuật, âm thanh, ánh sáng đến phục trang, đạo cụ. Di sản văn hóa phi vật thể bài chòi được tái hiện qua tiết mục hát múa Ngày xuân chơi hội bài chòi, qua hình ảnh những chú Hiệu cùng các tấm thẻ bài Tứ Móc, Ngũ Trượt, Ba Gà, Tám Miểng, Bảy Liễu…. Tác phẩm Chiều nghiêng tháp cổ với phần âm nhạc được thể hiện trực tiếp từ các loại nhạc cụ dân tộc kết hợp với nền nhạc hiện đại làm toát lên nét đẹp cổ kính, linh thiêng của Tháp Bà Ponagar soi bóng bên dòng sông Cái. Lần đầu tiên, đoàn mạnh dạn xây dựng tiết mục hát múa được lấy chất liệu từ lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Theo đó, tiết mục Tiếng vọng khao lề được lấy chất liệu âm nhạc từ những câu hò, câu vè của cư dân vùng Nam Trung Bộ.
Rời miền biển, khán giả lại được chìm trong không khí thâm u, huyền ảo của vùng núi rừng cao nguyên qua tiết mục múa Khát vọng đại ngàn. Chất liệu âm nhạc được sử dụng mang màu sắc Tây Nguyên, trang phục cũng là sự cách điệu của trang phục đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Bên cạnh những tiết mục hát múa tập thể, còn có tiết mục đơn ca Xứ Trầm do ca sĩ Thanh Vy thể hiện. Đây là sáng tác mới của nhạc sĩ Trường Lâm có nội dung ca ngợi xứ Trầm Hương Khánh Hòa bằng phong cách âm nhạc dân gian đương đại. Đặc biệt, tác phẩm độc tấu đàn tranh Phận tò vò do NSƯT Huỳnh Tú sáng tác và nghệ sĩ Phương Linh với ngón đàn điêu luyện của mình đã thực sự tạo được dấu ấn đối với người xem. Ngoài những tiết mục mang màu sắc dân gian, còn có các tiết mục đơn ca, song ca, tốp ca mang màu sắc trữ tình, hiện đại sôi động khác như: Tình ca đất nước, Tình anh, Sống như ta 20, Hãy biết ước mơ, Cuộc sống muôn màu.
Tự làm mới mình
Đã lâu lắm sân khấu số 128 Hoàng Văn Thụ (TP. Nha Trang) mới được sáng đèn để các ca sĩ, diễn viên biểu diễn. Việc được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất đã giúp cho không gian nơi đây trở nên khang trang hơn, phục vụ tốt hơn cho việc biểu diễn nghệ thuật. Theo ông Trần Đức Hà - Trưởng đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng, nhờ có sự chủ động về cơ sở vật chất nên đơn vị đã mạnh dạn sử dụng các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng để góp phần nâng cao hơn chất lượng của các tiết mục. Để phù hợp với tình hình thực hiện nhiệm vụ của đoàn, năm nay, đoàn không xây dựng chương trình nghệ thuật mà đầu tư xây dựng các tiết mục độc lập. Khi đi biểu diễn thực tế tại các sự kiện cụ thể, đoàn sẽ kết hợp những tiết mục mới với những tiết mục đã có trước đây để làm thành chương trình nghệ thuật phù hợp với yêu cầu.
Việc quan tâm xây dựng các tiết mục mang âm hưởng dân gian là sự bổ sung cần thiết cho Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng. Sự chú trọng đó bước đầu đã được những thành viên Hội đồng nghệ thuật Sở Văn hóa và Thể thao đánh giá cao. “Các tiết mục được dàn dựng rất tốt, hợp với xu hướng thưởng thức nghệ thuật hiện nay. Qua đó cho thấy, Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng ngày càng tiến bộ”, NSƯT Hoàng Minh Tâm chia sẻ. Nhạc sĩ Hình Phước Liên cho rằng, tất cả 11 tiết mục mới lần này cơ bản đều được dàn dựng và thể hiện tốt. Tất nhiên, vẫn còn những chi tiết cần được các ca sĩ, diễn viên điều chỉnh lại để hoàn thiện hơn.
Theo ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, qua các tiết mục diễn báo cáo lần này cho thấy sự đầu tư của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng đã bước đầu có kết quả. Chương trình có sự chú trọng về chất lượng nghệ thuật, cũng như giá trị truyền thống. Việc có được những tác phẩm chất lượng, hợp xu thế vừa giúp đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, vừa gia tăng dịch vụ biểu diễn có thu cho đơn vị.
Giang Đình