Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam thăm Tòa nhà Quốc hội Romania
Thủ tướng Phạm Minh Chính hào hứng giới thiệu về công trình với phái đoàn cấp cao Việt Nam, kể về lịch sử của công trình, thuyết minh về quy mô, một số chi tiết đặc biệt như kiến trúc ở một số gian phòng, vật liệu xây dựng.
Chiều 20/1, theo giờ địa phương, sau khi đặt chân đến Thủ đô Bucharest, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân đã tới thăm Tòa nhà Quốc hội Romania - đất nước Thủ tướng từng gắn bó thời trẻ khi học tại Trường đại học Xây dựng Bucharest và làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam ở Romania.
Trong chuyến thăm Tòa nhà Quốc hội, thay vì nghe thuyết minh từ phía nước sở tại, Thủ tướng Phạm Minh Chính hào hứng giới thiệu về công trình với phái đoàn cấp cao Việt Nam, kể về lịch sử của công trình, thuyết minh về quy mô, một số chi tiết đặc biệt như kiến trúc ở một số gian phòng, vật liệu xây dựng. Thủ tướng nhớ chi tiết về danh họa vẽ những bức tranh trong tòa nhà, trang phục qua các thời kỳ của phụ nữ Romania, chia sẻ những kỷ niệm sâu sắc khi mình sống, làm việc tại Romania. Đôi khi Thủ tướng Phạm Minh Chính dùng tiếng Romania để nói chuyện với đại diện Quốc hội Romania.
Tòa nhà Quốc hội hay Cung Nghị viện Romania tọa lạc trên đồi Spirii, là tòa nhà hành chính dân sự lớn nhất ở châu Âu, một trong những tòa nhà hành chính lớn nhất thế giới.
Ý tưởng xây dựng một ngôi nhà đồ sộ thật ấn tượng nảy sinh từ cố Chủ tịch Romania Nicolaie Ceausescu (1918-1989), sau trận động đất tàn phá Thủ đô Bucharest năm 1977. "Ngôi nhà của nhân dân" là tên gọi ban đầu của Cung Nghị viện, hay trụ sở Quốc hội Cộng hòa Romania hiện nay, đi vào lịch sử kiến trúc đương đại như là tòa nhà hành chính lớn nhất châu Âu.
Ban lãnh đạo Romania quyết định không tổ chức đấu thầu quốc tế nhằm phát huy nội lực của giới xây dựng trong nước. Sau cuộc thi quy mô toàn quốc kéo dài 4 năm, cuối cùng đồ án thiết kế "Ngôi nhà của nhân dân" của nữ kiến trúc sư 28 tuổi Anca Petrescu đã được phê duyệt.
Công trình khổng lồ chính thức khởi công trong năm 1983, cùng hợp sức với A. Petrescu là đội ngũ hàng trăm chuyên viên hàng đầu trong lĩnh vực xây cất hòng "biến từng chi tiết nhỏ nhất trong tòa nhà đều trở thành một kiệt tác", như nữ nghị sĩ A. Petrescu sau này hồi tưởng lại.
Để hoàn thiện quần thể kiến trúc khổng lồ dài 270m và rộng 245m, với 8 tầng lầu cao 86m trên mặt đất và 12 tầng ngầm sâu 93m cần phải huy động một khối lượng nguyên vật liệu khổng lồ từ mọi nguồn lực. Cụ thể, theo quyết toán cuối cùng, công trình này đã "ngốn" hết 1 triệu m3 đá cẩm thạch, 55.000 tấn xi măng mác cao, 7.000 tấn thép chuyên dụng, 20.000 tấn cát, 1.000 tấn đá bazan, 90.000m3 gỗ quý, 3.500 tấn thủy tinh và pha lê cao cấp, 220.000m2 thảm các loại và 3.500m2 da thú hiếm. "Ngôi nhà của nhân dân" quy tụ đúng 1.000 căn phòng gồm 440 phòng làm việc, 30 cung hội nghị, 4 nhà hàng, 3 thư viện, cung hòa nhạc… tọa lạc trên 330.000m2 tổng diện tích sàn.
Sau 6 năm miệt mài xây dựng suốt ngày đêm, đến cuối năm 1989, công trình hoàn tất với khoản kinh phí tương đương 1,75 tỉ USD (thời giá khi ấy). Trên bình diện quốc tế, Cung Nghị viện Romania chỉ xếp sau trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ ở tiểu bang Virginia (với 600.000m2 diện tích mặt sàn), nhưng xét về mặt dân sự thuần túy, “Ngôi nhà của nhân dân” xứng đáng được ghi vào Sách Kỷ lục Guinness như là "tòa nhà hành chính lớn nhất thế giới".
Trả lời phỏng vấn của báo chí địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, ông luôn lưu giữ những ấn tượng, tình cảm và kỷ niệm tốt đẹp, sâu sắc về đất nước và con người Romania. "Tôi không bao giờ quên những năm tháng tuổi trẻ học tập và thời gian công tác tại Romania; lưu nhớ những gương mặt, giọng nói, tiếng cười và hình ảnh rất đỗi thân thương của các thầy, cô, bạn bè Romania. Họ đã góp phần quan trọng giúp những lưu học sinh chúng tôi có được những gì như ngày hôm nay" - Thủ tướng nói, đồng thời bày tỏ vui mừng, xúc động khi trở lại Romania và tin tưởng chuyến thăm sẽ góp phần thúc đẩy, tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước.