Đoàn công tác Bộ Xây dựng khảo sát các điểm sạt trượt, ngập úng tại Quảng Bình

Ngày 2/11, Đoàn công tác Bộ Xây dựng do Thứ trưởng Lê Quang Hùng làm Trưởng đoàn tiếp tục chuyến khảo sát, đánh giá và khắc phục hậu sạt lở đất tại Đồn biên phòng quốc tế Cha Lo (xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) và khảo sát điểm ngập úng, nhà chống lũ tại huyện Lệ Thủy và Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Thứ trưởng Lê Quang Hùng khảo sát hiện trường Đồn biên phòng cửa khẩu Quốc tế Cha Lo.

Thứ trưởng Lê Quang Hùng khảo sát hiện trường Đồn biên phòng cửa khẩu Quốc tế Cha Lo.

Sạt trượt, lở đất chưa có dấu hiệu dừng lại

Trong 1 tháng qua, khu vực miền Trung liên tiếp xảy ra những vụ sạt lở đất kinh hoàng khiến hàng chục người dân bị vùi lấp trong đất đá. Nghiêm trọng nhất phải kể đến 3 vụ sạt lở diễn ra tại Trà Leng và Trà Vân, Nam Trà My và Phước Sơn - Quảng Nam đã khiến nhiều ngôi làng tan hoang, gia đình ly tán, chia lìa; tài sản bị vùi lấp… Từ câu chuyện sạt lở ở Rào Trăng 3 đến Nam Trà My, cho thấy sạt lở đất đang diễn biến hết sức phức tạp và khó lường.

Trước vấn đề này, Bộ Xây dựng đã từng có cuộc họp bàn với các nhà chuyên môn, đưa ra phân tích về sự khác biệt nguy hiểm của sạt lở đất, lũ ống, lũ quét so với các hình thái thiên tai phổ biến khác như: Gió, bão, lũ lụt và động đất. Nhưng, có thể thấy, hầu như không thể dùng các biện pháp công trình để chống đỡ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét so với việc có thể thiết kế kết cấu chịu được gió bão, động đất. Thêm đó, các quy định hiện nay trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật lựa chọn địa điểm xây dựng, khảo sát địa chất – địa hình để xây dựng lán trại, doanh trại, trụ sở làm việc, cụm dân cư trong vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét còn khá khiêm tốn.

Theo Bộ Xây dựng, cần phải nhanh chóng soạn thảo hướng dẫn kỹ thuật trong việc lựa chọn, khảo sát địa điểm xây dựng đối với công tác xây dựng mới. Đồng thời, có hướng dẫn về điều tra, khảo sát dấu hiệu cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để di dời khẩn cấp đối với các công trình đang tồn tại trong các mùa mưa bão.

Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho rằng, cần thiết phải ban hành các dấu hiệu cảnh báo về sạt lở đất.

Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho rằng, cần thiết phải ban hành các dấu hiệu cảnh báo về sạt lở đất.

Tiếp tục chuyến công tác khảo sát, đánh giá và khắc phục hậu quả thiên tai tại miền Trung, Đoàn công tác Bộ Xây dựng đã đến điểm sạt lở tại Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo. Vụ sạt lở đất tại khu vực đóng quân của Đồn gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Ngoài ra, mặt đường toàn bộ Quốc lộ 12A đi qua đồn Cha Lo bị hư hỏng nặng. Đây là tuyến đường độc đạo nối liền cửa khẩu quốc tế Cha Lo về nội địa Việt Nam.

Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo tan hoang sau vụ sạt trượt.

Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo tan hoang sau vụ sạt trượt.

Thượng tá Phan Thanh Bổng – Đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo cho biết: Trụ sở Đồn biên phòng được khởi công xây dựng mới từ năm 2002. Trước khi xảy ra sạt trượt tại khu vực này, đơn vị đã phát hiện có những dấu hiệu bất thường, do đó, đã kịp thời di chuyển các chiến sỹ, tài liệu, vũ khí trang bị ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi đảm bảo an toàn. Vào khoảng 19 giờ ngày 19/10 thì vụ sạt lở đã xảy ra khiến dãy nhà ở cán bộ, chiến sĩ của đồn và một số khu vực nhà chỉ huy đồn bị sập.

Xác định nguy cơ sụt lún, sạt lở đất tại Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo, đe dọa đến tính mạng, tài sản của đồng bào ở bản Cha Lo gần đó nên cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức di dời khẩn cấp 34 hộ với 127 khẩu của bản Cha Lo về bản Bãi Dinh, Ka Vàng thuộc xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa để đảm bảo an toàn.

Hiện trường lún nứt Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo.

Hiện trường lún nứt Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo.

Với nhiệm vụ của mình, Đoàn công tác Bộ Xây dựng cùng các nhà khoa học khảo sát thực tế để nghiên cứu xây dựng được quy hoạch khu dân cư, quy hoạch về các trụ sở quân sự… để hạn chế tối đa những thiệt hại thiên tai gây nên.

Sẽ nghiên cứu mở rộng hỗ trợ nhà chống lũ

Chiều cùng ngày, đoàn công tác Bộ Xây dựng tiếp tục khảo sát sát điểm ngập úng, nhà chống lũ tại huyện Lệ Thủy và nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 9.

Đoàn công tác Bộ Xây dựng trao đổi với lãnh đạo huyện Lệ Thủy.

Đoàn công tác Bộ Xây dựng trao đổi với lãnh đạo huyện Lệ Thủy.

Cuối tháng 10 vừa qua, do ảnh hưởng mưa bão khiến các vùng trũng thấp, các khu đô thị ở Quảng Bình, đặc biệt tại các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa và thành phố Đồng Hới bị ngập lụt sâu, trên diện rộng.

Nước lụt tràn về, nhiều tài sản, lương thực bị ngâm trong nước không sử dụng được; các ngôi nhà nước lên quá cao, người dân phải phá ngói, tháo tôn để lên trên nóc nhà chờ cứu hộ, cứu trợ. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ người dân Quảng Bình đã được an toàn trên các công trình nhà tránh lũ.

Chị Bùi Thị Toan – xóm 3, thôn Tuy Lộc, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy cho biết, gia đình chị đã tự xây căn nhà chống lũ vào năm ngoái. Nhờ có căn nhà này, nên đợt lũ vừa qua, dù nước lên to, sóng lớn nhưng gia đình vẫn được đảm bảo an toàn và giữ được tài sản trong nhà.

Chị Bùi Thị Toan chia sẻ về tác dụng của nhà chống lũ với Đoàn công tác.

Chị Bùi Thị Toan chia sẻ về tác dụng của nhà chống lũ với Đoàn công tác.

Ông Lê Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy chia sẻ: “Với miền Trung, hàng năm, lũ lụt trở đã quá quen thuộc. Tuy nhiên, trận lũ lịch sử tại Quảng Bình xảy ra vào tháng 10 vừa qua là lớn nhất từ trước đến nay. Mô hình nhà vượt lũ tuy mang lại hiệu quả nhưng chỉ phục vụ cho một số cá nhân, gia đình. Nhưng đối với huyện Lệ Thủy, có nhiều vùng xung yếu, dễ ngập lụt rất cần được hỗ trợ xây dựng nhà vượt lũ cộng đồng với quy mô lớn, sức chứa nhiều người thì việc chạy lũ sẽ đảm bảo an toàn hơn, di chuyển nhanh và thuận tiện hơn. Chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền Trung ương, Bộ ngành quan tâm hỗ trợ bà con ở vùng lũ xung yếu, đảm bảo cuộc sống trong mùa mưa lũ”.

Mô hình nhà chống lũ của người dân Quảng Bình.

Mô hình nhà chống lũ của người dân Quảng Bình.

Chia sẻ về hiệu quả của chương trình nhà chống lũ, ông Hà Quang Hưng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh báo, lụt khu vực miền Trung tại các tỉnh Nghệ An và Quảng Bình, cơ bản các căn nhà chống lũ đã phát huy tác dụng.

Chương trình này hỗ trợ các hộ dân nghèo thuộc 14 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận nhằm xây dựng những ngôi nhà đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ, bão lụt. Chương trình có mức hỗ trợ 12-16 triệu đồng/hộ, cho vay ưu đãi tối đa 15 triệu đồng/hộ trong vòng 10 năm để họ cùng huy động nguồn lực của gia đình, dòng họ xây cất được gian chòi có sàn bê tông cốt thép, đảm bảo 3 cứng, diện tích tối thiểu 10m2 và sàn cao hơn mức lụt thường xuyên ở địa phương là 1,5m.

“Qua kiểm tra ở địa phương, chúng tôi thấy rằng nhà chống lũ đã phát huy hiệu quả tốt, đảm bảo sinh mạng và tài sản cho người dân không chỉ trong mùa bão lụt năm nay mà cả 10 năm vừa qua. Hiện nay, chương trình đã thực hiện hơn 19,2 nghìn căn hộ/21,5 nghìn hộ dân có nhu cầu. Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các địa phương đánh giá hiệu quả mô hình nhà chống lũ, bão lụt theo QĐ 48/2014/QĐ-TTg, từ đó, đề xuất nhân rộng mô hình theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng, tăng mức hỗ trợ Nhà nước để xây những ngôi nhà đảm bảo an toàn, trình cơ quan có thẩm quyền quyết định”, ông Hưng cho biết thêm.

Thứ trưởng Lê Quang Hùng và Đoàn công tác thay mặt Bộ Xây dựng trao tặng UBND tỉnh Quảng Bình 1 tỷ đồng.

Thứ trưởng Lê Quang Hùng và Đoàn công tác thay mặt Bộ Xây dựng trao tặng UBND tỉnh Quảng Bình 1 tỷ đồng.

Cũng trong chiều nay, Đoàn công tác qua khảo sát Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 9. Đồng thời, Đoàn làm việc với UBND tỉnh Quảng Bình, trao tặng ủng hộ UBND tỉnh Quảng Bình số tiền 1 tỷ đồng nhằm hỗ trợ bà con bị thiệt hại do bão lũ.

Khánh Hòa – Ngọc Hà

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/doan-cong-tac-bo-xay-dung-khao-sat-cac-diem-sat-truot-ngap-ung-tai-quang-binh-292120.html