Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế làm việc với Bộ Tài chính

Chiều ngày 25/11, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế đã có cuộc khảo sát, làm việc với Bộ Tài chính để đánh giá công tác quản lý biên chế giai đoạn 2016-2021 và đề xuất giai đoạn 2022-2026. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế và Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đồng chủ trì cuộc làm việc.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đánh giá cao sự trách nhiệm, gương mẫu của Bộ Tài chính.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đánh giá cao sự trách nhiệm, gương mẫu của Bộ Tài chính.

Tham dự cuộc làm việc, về phía Đoàn công tác còn có ông Mai Văn Chính - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương; ông Nguyễn Quang Dương - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; ông Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước; ông Nguyễn Trọng Thừa - Thứ trưởng Bộ Nội vụ; các vụ trưởng, phó vụ trưởng, đại diện các cơ quan, đơn vị của Ban Tổ chức Trung ương là thành viên của Đoàn công tác.

Về phía Bộ Tài chính có sự tham dự của Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng thường trực Trần Xuân Hà; Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Vũ Thị Mai; Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn. Tham dự cuộc làm việc còn có các tổng cục trưởng, cục trưởng, đại diện các đơn vị, cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính.

Báo cáo tổng kết việc thực hiện quản lý biên chế giai đoạn 2016-2021 của Bộ Tài chính, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết, biên chế công chức hành chính giao năm 2021 là 66.836 chỉ tiêu (giảm so với năm 2015 là 7.426 chỉ tiêu, tương đương 10%). Tính đến thời điểm 30/6/2021, Bộ Tài chính đã sử dụng 66.274 chỉ tiêu biên chế hành chính.

Biên chế viên chức giao năm 2021 tại các đơn vị sự nghiệp do ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi thường xuyên là 2.054 chỉ tiêu (giảm 10% biên chế so với năm 2017). Tính đến thời điểm 30/6/2021, Bộ Tài chính đã sử dụng 1.624 biên chế tại đơn vị sự nghiệp do ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi thường xuyên.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phát biểu tại cuộc làm việc.

Hàng năm, Bộ Tài chính đã thực hiện tinh giản biên chế theo kế hoạch, đến nay đã tinh giản được tổng số 1.017 trường hợp (đạt 110,4% so với kế hoạch). Đồng thời, Bộ Tài chính đã bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện tinh giản biên chế, trong đó, từ năm 2015 đến năm 2021, đã thẩm định, duyệt kinh phí tinh giản biên chế đối với các trường hợp với tổng số kinh phí là 139.974,848 triệu đồng.

Tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính đã được hoàn thiện, khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo phân cấp, phân quyền rõ ràng giữa các cấp, phù hợp với việc thực hiện chức năng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.

Việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và chức năng nhiệm vụ của các Vụ, Cục và tương đương thuộc Cơ quan Bộ Tài chính giảm tổ chức phòng trong Vụ, Cục; thực hiện cải cách cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế, chuyển từ mô hình Chi cục thuế quận, huyện, thị xã, thành phố thành Chi cục thuế khu vực thuộc Cục Thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; bỏ tổ chức cấp tổ/đội thuộc Kho bạc Nhà nước cấp huyện, đồng thời sáp nhập Kho bạc Nhà nước cấp huyện đặt cùng địa bàn của Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh vào Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh. Ngoài ra, thực hiện sắp xếp giảm các Chi cục thuộc Cục Dự trữ Nhà nước khu vực, Cục Hải quan tỉnh, khu vực, từ đó, giảm đầu mối các đơn vị, tổ chức trung gian.

Giai đoạn từ tháng 6/2017 đến ngày 30/6/2021, Bộ Tài chính đã sắp xếp giảm trên 4.200 đầu mối đơn vị hành chính các cấp và giảm 10 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc và trực thuộc Bộ. Riêng Tổng cục Thuế giảm 2.512 đơn vị; Kho bạc Nhà nước giảm 1.535 đơn vị.

Việc sắp xếp bộ máy đã góp phần giảm bớt các tầng nấc trung gian gắn với cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảm chi phí đầu tư cơ sở vật chất. Bộ Tài chính cũng đã chủ động triển khai các nhiệm vụ xây dựng vị trí việc làm theo quy định của Đảng, Chính phủ. Đến nay, đã hoàn thành việc rà soát danh mục bản mô tả vị trí việc làm công chức, viên chức nghiệp vụ chuyên ngành, chuyên môn dùng chung, hỗ trợ phục vụ và lãnh đạo quản lý đặc thù ngành Tài chính để Bộ Nội vụ tổng hợp trình Ban Tổ chức Trung ương phê duyệt.

Toàn cảnh cuộc làm việc.

Phát biểu tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế đều đánh giá cao công tác chuẩn bị báo cáo về công tác biên chế của Bộ Tài chính. Các thành viên của Đoàn công tác cho rằng, Bộ Tài chính đã làm một cách bài bản, bám sát chủ trương, quán triệt sâu, triển khai toàn diện và cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước về quản lý biên chế, tinh giản biên chế gắn với sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và cơ cấu đội ngũ cán bộ.

Trong điều kiện công việc tăng lên nhiều, nhưng Bộ Tài chính vẫn phấn đấu giảm 10% công chức; giảm 40% viên chức. Các đại biểu cho rằng đây là cố gắng lớn và thể hiện quyết tâm rất cao của Bộ Tài chính.

Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc và lãnh đạo các Tổng cục trực thuộc Bộ Tài chính cũng đã làm rõ thêm nhiều nội dung các thành viên của Đoàn công tác nêu liên quan đến công tác biên chế trong từng lĩnh vực quản lý cũng như đề xuất công tác quản lý biên chế giai đoạn 2022-2026.

Đánh giá cao sự trách nhiệm, gương mẫu của Bộ Tài chính, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho biết, cùng với việc giảm biên chế, Bộ Tài chính cũng đã sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Nghị quyết số 19 đề ra giảm 10%, nhưng Bộ Tài chính đã làm tốt hơn. Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính của Bộ Tài chính luôn nằm trong top đầu.

Ghi nhận những nỗ lực trong công tác xây dựng vị trí việc làm của Bộ Tài chính, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, nếu tạo ra vị trí việc làm với mức lương phù hợp thì sẽ động viên, giữ chân được người giỏi. Trong bối cảnh nhiệm vụ ngày càng tăng lên càng cần phải tính toán hợp lý số biên chế.

Nhấn mạnh vai trò, vị trí quan trọng của Bộ Tài chính, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đề nghị, Bộ Tài chính tiếp tục gương mẫu, có đánh giá sâu sắc hơn kết quả đạt được để nghiên cứu tiếp tục thực hiện các Nghị quyết số 18, 19, 39 của Ban Chấp hành Trung ương đạt được hiệu quả cao. Đồng thời, sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao và góp phần to lớn trong quá trình phát triển đất nước, phục vụ cho nhân dân.

Tiếp thu ý kiến của Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, Bộ Tài chính sẽ nỗ lực phấn đấu để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao. "Bộ Tài chính luôn luôn đoàn kết, đổi mới và phát triển để cống hiến nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước." - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Trần Huyền

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/chuyen-dong-tai-chinh/doan-cong-tac-cua-ban-chi-dao-trung-uong-ve-quan-ly-bien-che-lam-viec-voi-bo-tai-chinh-342509.html