Đoàn công tác của Chính phủ làm việc với Kon Tum về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng
Thực hiện Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 13/5, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu Đoàn công tác của Chính phủ thực hiện kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu và kiểm tra thực địa các công trình trọng điểm tại tỉnh Kon Tum.
Tham gia Đoàn công tác có các đồng chí: Nguyễn Trọng Bình, Trung tướng - Phó Tổng Tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng; Nguyễn Minh Hằng, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế, Bộ Ngoại giao; các đồng chí đại diện của các Bộ: Kế hoạch Đầu tư, Giao thông vận tải, Xây dựng, Công Thương, Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính…
Về phía tỉnh Kon Tum có các đồng chí Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các Sở, ban, ngành của tỉnh.
Kon Tum nỗ lực thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn đầu tư
Qua báo cáo từ các Sở: Kế hoạch Đầu tư, Giao thông vận tải, Ngoại vụ, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh… cho thấy, tổng sản phẩm Kon Tum (GRDP) quý I/2023 ước đạt 3.748,6 tỷ đồng, tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nông-lâm-thủy sản tăng 5,04%; công nghiệp-xây dựng tăng 11,05%; thương mại - dịch vụ tăng 5,23%... Kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 72 triệu USD, tăng 3,15% so với cùng kỳ và đạt 24,07% kế hoạch năm.
Hầu hết các ngành sản xuất đều tăng, một số nhóm ngành tăng cao như ngành chế biến thực phẩm, sản xuất hóa chất, sản xuất bàn ghế... Hoạt động du lịch phát triển mạnh, ước tính trong quý I/2023, thu hút được hơn 600.350 lượt khách, tăng 2,7 lần, doanh thu tăng hơn 3,8 lần so với cùng kỳ.
Xác định việc đẩy mạnh thực hiện kế hoạch đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2023, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo và yêu cầu tất cả các đơn vị liên quan triển khai đồng loạt các giải pháp quyết liệt, đồng bộ. Do vậy, Kon Tum là một trong những địa phương có tốc độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công cao nhất khu vực Tây Nguyên.
Đến hết quý I, toàn tỉnh đã giải ngân được khoảng 379,1 tỷ đồng, đạt khoảng 12% so với thực nguồn kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 địa phương đã giao và đạt khoảng 10,57% so với kế hoạch vốn trung ương giao.
Các đơn vị của tỉnh cho rằng, chính sách giải phóng mặt bằng, tái định cư, cơ chế cho phép xây dựng dự án bồi thường… vẫn còn có vướng mắc chưa được sự đồng thuận của người dân dẫn đến tình trạng giải phóng mặt bằng chậm ảnh hưởng đến việc bàn giao mặt bằng để triển khai thực hiện dự án.
Tỉnh xin kiến nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu có cơ chế phân cấp trong phê duyệt danh mục dự án thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia hằng năm cho UBND cấp tỉnh hoặc cấp huyện để giảm thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn…; Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm tham mưu trình quy định cụ thể để thống nhất giữa Quy hoạch sử dụng đất và Quy hoạch đô thị…;
Xem xét mở cửa khẩu phụ Hồ Le tại huyện Ia H’Drai; hỗ trợ kinh phí dự án kè chống sạt lở, bảo vệ các cộc mốc biên giới Việt Nam-Campuchia và Việt Nam-Lào; bổ sung quy hoạch tuyến cao tốc Quảng Ngãi-Kon Tum; hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng các cầu còn lại trên tuyến đường Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh…
Cũng tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn công tác thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng… đã trao đổi, giải đáp nhiều vướng mắc, bất cập của tỉnh đã nêu, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến nhằm hỗ trợ tỉnh phát huy được tiềm năng thế mạnh để thúc đẩy phát triển kinh triển kinh tế - xã hội địa phương.
Trước đó, Đoàn đã tiến hành khảo sát thực địa Dự án kè chống lũ lụt, sạt lở các làng đồng bào dân tộc thiểu số dọc sông Đăk Bla trên địa bàn TP Kon Tum và một số dự án trọng điểm của tỉnh.
Tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy kinh tế xã hội tỉnh phát triển
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn ghi nhận đánh giá cao công tác chuẩn bị kỹ lưỡng của tỉnh cho buổi làm việc và đại diện các bộ, ngành trung ương cũng có sự giải đáp, trao đổi rõ ràng, trách nhiệm. Bộ trưởng đề nghị, đại diện các bộ, ngành và các sở của địa phương tiếp tục trao đổi, cập nhật nội dung làm việc trong thời gian tới.
Bộ trưởng nhấn mạnh, Kon Tum cần tiếp tục nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng chiến lược của các địa phương trong vùng Tây Nguyên, theo đúng tinh thần Nghị quyết số 23/NQ-TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Bộ trưởng đánh giá cao các thành tựu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, trong đó nổi bật là Kon Tum đã vươn lên trở thành đầu tàu tăng trưởng của khu vực Tây Nguyên, bám sát các chương trình mục tiêu quốc gia và đạt kết quả cao trong phát triển kinh tế xã hội trong 4 tháng đầu năm.
Tỉnh cũng đã bám sát chủ trương tăng cường công tác quốc phòng, an ninh và đẩy mạnh công tác đối ngoại; kiên quyết bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Gia Lai cũng đã làm sâu sắc hơn các quan hệ phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia; hợp tác với các tỉnh biên giới của nước bạn, thúc đẩy quan hệ hợp tác thực chất với các địa phương bạn, biến biên giới thành đường biên giới hữu nghị và hợp tác, cùng nhau phát triển. Bộ trưởng đồng tình các kiến nghị của tỉnh về việc mở và thúc đẩy hợp tác kinh tế cửa khẩu với các địa phương bạn.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, tỉ lệ vốn đầu tư vốn ngân sách nhà nước (đầu tư công và các nguồn khác, bao gồm cả ODA) của Kon Tum chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới và khu vực còn gặp nhiều khó khăn, khó đoán định hiện nay… Lần lần đầu tiên Chính phủ thành lập các Đoàn công tác trực tiếp đi làm việc, nắm bắt, trao đổi, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó có việc giải ngân các nguồn vốn từ ngân sách.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị tỉnh tiếp tục bám sát các định hướng lớn của Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ năm 2023 và những năm tiếp theo. Từ đó, khắc phục khó khăn trong công tác quy hoạch; trong triển khai các dự án thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia, trong thúc đẩy giải ngân nguồn vốn đầu tư,…
Bộ trưởng cũng mong muốn tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư cả trong nước và nước ngoài, trong đó lấy phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp là trọng tâm phát triển; tập trung phát triển công nghiệp chế biến là động lực, phát triển du lịch là đột phá, trong đó có du lịch sinh thái… Đồng thời mở sang phát triển năng lượng sạch, tái tạo, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Đánh giá cao tinh thần chủ động, phối hợp với các bộ, ngành trong các mặt công tác, Bộ trưởng đề nghị tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần này, tiếp tục truyền thống đoàn kết, nỗ lực, tích cực thích ứng an toàn, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá… trong điều hành kinh tế xã hội. Tỉnh cũng cần mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước khác để có thể thúc đẩy xuất khẩu các mặt nông lâm thủy sản của tỉnh.
Về các vướng mắc, khó khăn Kon Tum đề xuất, Bộ trưởng cho rằng tỉnh cần chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách; Chủ động phối hợp với các bộ, ngành, tăng cường chia sẻ kinh nghiệm giữa các địa phương, trong đó có tháo gỡ vướng mắc về thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai, thủ tục phê duyệt, thẩm định chủ trương đầu tư, xây dựng, giải phóng mặt bằng, bồi thường và hỗ trợ tái định cư.
Bộ trưởng đề nghị các bên tiếp tục phối hợp, trao đổi, các đơn vị của bộ, ngành như Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên Môi trường… hướng dẫn tỉnh thực hiện các mặt công tác, trong đó có một số kiến nghị cụ thể của tỉnh về các dự án trong kế hoạch vốn đầu tư công, lập quy hoạch… để từ đó Đoàn tổng hợp báo Chính phủ xem xét tổng hợp, giải quyết theo đề nghị của tỉnh.
Tại Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về Phân công Thành viên Chính phủ chủ trì đôn đốc làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì đoàn công tác của Chính phủ làm việc với các địa phương Gia Lai và Kon Tum.