Đoàn công tác tiểu ban Kinh tế - xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng làm việc với các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng

Ngày 30-7, tại TP Ninh Bình, Đoàn công tác của tiểu ban Kinh tế - xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng do đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Tiểu ban Kinh tế - Xã hội đã có buổi làm việc với các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng. Tham dự hội nghị có các đồng chí lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng; lãnh đạo một số Bộ, ban, ngành Trung ương.

Đồng chí Phạm Gia Túc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định tham dự hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng đã tập trung thảo luận, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, Nghị quyết Đại hội đảng bộ các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng; những nút thắt, bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện; những mô hình, cách làm sáng tạo; kiến nghị đối với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026-2030.

Theo đó, kinh tế vùng tăng trưởng bình quân giai đoạn 2005-2020 đạt 7,94%/năm. Quy mô kinh tế của vùng luôn được mở rộng. Tỷ trọng đóng góp vào GDP cả nước tăng từ 26,9% năm 2010 lên 29,4% năm 2020; GRDP bình quân đầu người đạt 103,6 triệu đồng/năm, cao hơn 1,3 lần so với bình quân cả nước; tổng thu ngân sách nhà nước của vùng chiếm tới 32,7% tổng thu ngân sách của cả nước; tổng vốn đầu tư xã hội chiếm 35,1%, đứng đầu cả nước.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc nêu rõ những kết quả đạt được của tỉnh Nam Định trong thực hiện các mục tiêu, nội dung Nghị quyết trong đó Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hiện nay, tỉnh Nam Định đang tập trung rà soát, bổ sung các quy hoạch cấp dưới để phù hợp với quy hoạch tỉnh và phục vụ công tác thu hút đầu tư.

Đồng chí Phạm Gia Túc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Phạm Gia Túc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị.

Tỉnh tập trung các nguồn lực để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm có tính chiến lược; khai thác có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế của địa phương. Theo đó hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là các dự án giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đang được đồng loạt triển khai, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội: Đã hoàn thành tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ, đây là Cụm công trình kênh nối thủy lớn nhất Việt Nam. Tỉnh Nam Định đã thường xuyên, chủ động phối hợp với tỉnh Thái Bình trong việc triển khai thực hiện Dự án đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định, Thái Bình. Hai tỉnh đã thống nhất thành lập Ban chỉ đạo và ban hành Kế hoạch chi tiết triển khai các công việc của dự án, dự kiến sẽ khởi công dự án trong Quý IV năm nay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng Dự án Xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, với Tổng mức đầu tư 1.450 tỷ đồng; Dự án đang tích cực được thi công và dự kiến hoàn thành trong năm 2024. Tỉnh Nam Định đã có Tờ trình đề xuất phương án đầu tư Dự án đường cao tốc Phủ Lý – Nam Định (CT.11); hiện nay các Bộ, ngành Trung ương đang xem xét, tham mưu báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong phát triển, bước đầu đã thu hút được một số nhà đầu tư lớn, có công nghệ cao, đóng góp vào thu ngân sách của tỉnh như: Tập đoàn Quanta.

Đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu kết luận hội nghị.

Đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu kết luận hội nghị.

Về đào tạo nguồn nhân lực: ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định giữ vững thành tích gần 3 thập kỷ trong tốp dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, công tác xây dựng nông thôn mới tiếp tục đạt được kết quả tích cực; tiếp tục thể chế hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” qua đó đã huy động sự tham gia, hưởng ứng tích cực của đông đảo quần chúng nhân dân trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Đến nay, toàn tỉnh đã có 199/204 (98%) xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó 39 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; đã hoàn thành hồ sơ trình công nhận huyện Giao Thủy đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội).

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc đã nêu rõ những kiến nghị, đề xuất, cụ thể: đề nghị các Bộ, ngành Trung ương rà soát, sớm tham mưu, hoàn thiện cơ chế chính sách đặc thù của vùng đồng bằng sông Hồng; nhất là các nhóm chính sách về phân cấp, phân quyền; tài chính, đầu tư hạ tầng liên kết vùng. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm chấp thuận cho tỉnh Nam Định triển khai các thủ tục đầu tư Dự án đường cao tốc Phủ Lý – Nam Định (CT.11). Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan sớm nghiên cứu, đề xuất đầu tư tuyến đường sắt Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng. Đề nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu đầu tư giai đoạn II Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ để phát huy tối đa hiệu quả của dự án. Nâng cao chỉ tiêu chuyển đổi đất lúa sang đất công nghiệp để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, lao động.

Đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ ngành liên quan quan tâm đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi, hệ thống đê biển trong vùng đồng bằng sông Hồng để phục vụ phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu. Về hạ tầng xã hội: Đề nghị đầu tư nâng cấp hạ tầng về thông tin và truyền thông, chuyển đổi số; đầu tư các khu xử lý chất thải tập trung cấp vùng, liên tỉnh.

Trong công tác đào tạo nguồn nhân lực: Đề nghị khuyến khích phát triển các khu đại học để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại các tỉnh trọng điểm về phát triển công nghiệp. Đề nghị có cơ chế khuyến khích phát triển giáo dục nghề nghiệp, hình thành các trung tâm đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá, các kết quả đạt được và nêu rõ những hạn chế của vùng Đồng bằng sông Hồng, đó là còn hạn chế về cơ cấu kinh tế, mức độ ổn định, khả năng tự chủ, nhất là khả năng phát huy động lực phát triển từ các doanh nghiệp FDI để tiếp cận, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nhân lực, tạo ra các hệ sinh thái doanh nghiệp… Thực tế này đòi hỏi sự thay đổi mang tính cách mạng để thay đổi mô hình, chất lượng tăng trưởng, phát triển bền vững để doanh nghiệp trong nước tham gia và khẳng định vị trí trong chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.

Bên cạnh việc ban hành hệ thống quy hoạch, pháp luật bao phủ các lĩnh vực, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng cần tiếp tục rà soát, xây dựng thể chế chính sách đồng bộ, thống nhất, cập nhật kịp thời những vấn đề thực tiễn đang biến chuyển nhanh chóng, tạo không gian cho tư duy đổi mới, sáng tạo. Đây chính là là vai trò trung tâm kiến tạo của Nhà nước./.

Tin: Thu Thủy, Ảnh: Anh Tuấn

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/tin-tuc-su-kien/202407/doan-cong-tac-tieu-ban-kinh-te-xa-hoi-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiv-cua-dang-lam-viec-tai-vung-dong-bang-song-hong-d25769d/