Đoàn công tác tỉnh Hà Tĩnh tham quan, tìm hiểu các mô hình nông nghiệp trên địa bàn Quảng Trị

Trong 2 ngày 12, 13.2.2020, đoàn công tác của tỉnh Hà Tĩnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn làm trưởng đoàn đã có chuyến tham quan, tìm hiểu về quá trình triển khai và hiệu quả kinh tế của mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại HTX Đức Xá, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh và mô hình trồng rừng bền vững FSC tại Hợp tác xã (HTX) Phú Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng.

 Đoàn công tác tỉnh Hà Tĩnh tìm hiểu mô hình trồng rừng chứng chỉ FSC tại HTX Phú Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng- Ảnh: L.A

Đoàn công tác tỉnh Hà Tĩnh tìm hiểu mô hình trồng rừng chứng chỉ FSC tại HTX Phú Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng- Ảnh: L.A

Vụ đông xuân 2019 - 2020 là vụ thứ 7 HTX Đức Xá sản xuất lúa hữu cơ theo phương thức liên kết với Công ty Cổ phần Nông sản hữu cơ Quảng Trị. Trong đó, công ty cung cấp phân bón, các giống lúa chất lượng cao như RVT, ST24 và cam kết thu mua với giá 8.000 đồng/kg lúa tươi. Đến nay sau 3 năm triển khai, tổng diện tích sản xuất lúa hữu cơ theo hướng liên kết với nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã đạt gần 600 ha; trong đó riêng trong vụ đông xuân này ngoài diện tích tại HTX Đức Xá, công ty còn liên kết với nông dân tại nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Trị với tổng diện tích hơn 100 ha để sản xuất lúa hữu cơ.

Tại HTX Phú Hưng, đoàn công tác của tỉnh Hà Tĩnh đã quan tâm tìm hiểu mô hình trồng rừng gỗ lớn được cấp chứng chỉ FSC mà HTX đang triển khai. Cùng với mô hình tại HTX Phú Hưng, tính đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có 4 đơn vị được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC với tổng diện tích hơn 23.429 ha. Cũng trong chuyến công tác này, đoàn đã đến tham quan Nhà máy chế biến gỗ MDF của Công ty Cổ phần gỗ MDF VRG Quảng Trị tại Khu công nghiệp Quán Ngang với tổng công suất hơn 200.000 m3/năm, tổng doanh thu hàng năm hơn 1.000 tỉ đồng.

Tại các nơi đến tham quan, tìm hiểu, đoàn công tác tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung trao đổi, làm rõ một số nội dung về phương thức liên kết sản xuất lúa hữu cơ; việc tổ chức trồng rừng gỗ lớn; việc hỗ trợ nhóm hộ và các công ty lâm nghiệp trong đánh giá cấp và duy trì chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC; quy trình chế biến gỗ MDF… Đồng thời mong muốn tỉnh Quảng Trị tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị của tỉnh Hà Tĩnh trong việc chuyển giao quy trình kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm về các mô hình tiêu biểu mà tỉnh Quảng Trị đã thực hiện thành công.

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=82&modid=445&itemid=146103