Đoàn công tác Trung ương giám sát thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia tại Sóc Trăng

Chiều ngày 9/10, tại UBND tỉnh, đoàn giám sát của Trung ương do đồng chí Huỳnh Văn Thuận - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) làm trưởng đoàn, cùng các thành viên đoàn đến giám sát thực hiện các chương trình MTQG tại tỉnh Sóc Trăng.

Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Khởi - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Theo thông tin từ lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, thời gian qua, tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, quyết định của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ về thực hiện tín dụng chính sách cho vay hộ nghèo và đối tượng khác. Tỉnh đã tăng cường bố trí nguồn lực thực hiện tín dụng chính sách theo Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư đạt chỉ tiêu kế hoạch hằng năm; chỉ đạo quyết liệt các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong tỉnh triển khai thực hiện tốt các giải pháp quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội, đảm bảo hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả vốn vay, tập trung xử lý các khoản nợ đọng, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội.

Đồng chí Huỳnh Văn Thuận - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: QUANG BÌNH

Đồng chí Huỳnh Văn Thuận - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: QUANG BÌNH

Đến nay, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 5.608 tỷ đồng, với 159.759 khách hàng, đạt tỷ lệ 47,66% số hộ dân sinh sống trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Các chương trình tín dụng chính sách được thiết kế thành hệ thống chính sách đồng bộ, hỗ trợ đa chiều, giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu trong cuộc sống của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

Dư nợ cho vay tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa góp phần thực hiện chương trình đạt 4.205 tỷ đồng, chiếm 75% tổng dư nợ; vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần cùng địa phương hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh Sóc Trăng có 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, có 70/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Số tiêu chí bình quân/xã: 18,64 tiêu chí/xã; có 20 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Hiện, dư nợ cho vay đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo góp phần thực hiện chương trình đạt 2.601 tỷ đồng, chiếm 46,37% tổng dư nợ với hơn 79 nghìn hộ còn dư nợ. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến ngày 30/9, dư nợ cho vay đạt 1.640 tỷ đồng, chiếm 29,24% tổng dư nợ với hơn 47 nghìn khách hàng còn dư nợ. Trong đó, dư nợ đối với khách hàng là hộ dân tộc thiểu số là 859 tỷ đồng với hơn 27 nghìn khách hàng còn dư nợ, chiếm 15,31% tổng dư nợ; dư nợ bình quân 1 hộ dân tộc thiểu số đạt hơn 31,7 triệu đồng trên bình quân chung là 35,1 triệu đồng.

Trong năm 2023 và 9 tháng năm 2024 đã ủy thác số tiền 204,95 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn ủy thác địa phương đạt 339,52 tỷ đồng (chiếm 6,04%/tổng nguồn vốn), cụ thể: nguồn vốn ngân sách tỉnh chuyển sang 130,3 tỷ đồng; nguồn vốn Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh ủy thác 20,47 tỷ đồng và nguồn vốn cấp huyện ủy thác 54,18 tỷ đồng.

Tại buổi giám sát, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Trung ương ưu tiên bố trí nguồn vốn tín dụng chính sách năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030, đặc biệt là nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2024/NĐ-CP của Chính phủ nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn cho các đối tượng vay mua, thuê mua nhà ở xã hội. Cùng với đó, bổ sung đối tượng vay vốn đối với hộ cận nghèo trong vùng dân tộc thiểu số được thụ hưởng tín dụng chính sách ưu đãi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 từ 2021 - 2025.

Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam Huỳnh Văn Thuận ghi nhận những nỗ lực trong việc hiện thực các chương trình MTQG tại tỉnh Sóc Trăng đã tạo động lực mới, năng lực mới cho địa phương phát triển, đời sống nhân dân ngày càng nâng lên. Qua đó đề nghị Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình MTQG tỉnh Sóc Trăng tiếp tục phát huy thành quả đạt được, thực hiện hiệu quả từng chương trình, góp phần quan trọng trong xây dựng, phát triển quê hương Sóc Trăng. Cùng với đó, các kiến nghị của tỉnh, đoàn sẽ tổng hợp và trình Ban Chỉ đạo Trung ương sớm có giải pháp giúp địa phương thực hiện hiệu quả các chương trình MTQG.

QUANG BÌNH

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/ngan-hang-chinh-sach-xa-hoi/202410/oan-cong-tac-trung-uong-giam-sat-thuc-hien-3-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-tai-soc-trang-c10271a/