Đoàn đại biểu cấp cao HĐND TPHCM thăm và làm việc tại Romania
Ngày 12-12, đoàn đại biểu cấp cao HĐND TPHCM do đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP dẫn đầu thăm và làm việc tại Thủ đô Bucharest (Romania).
Làm việc tại Hội đồng chung Thủ đô Bucharest, đồng chí Nguyễn Thị Lệ cảm ơn sự đón tiếp của lãnh đạo Hội đồng chung. Đồng chí bày tỏ mong muốn hai bên sẽ có nhiều chương trình hợp tác về kinh tế, thương mại, giao lưu văn hóa nghệ thuật giữa hai nước, hai địa phương. Tiếp đoàn, ông Marius Pavel – Chủ tịch Hội đồng chung Thủ đô Bucharest bày tỏ mong muốn có nhiều dự án hợp tác trong tương lai giữa hai thành phố. Bucharest có khoảng 3 triệu người. Từ năm 2010, Bucharest bắt đầu triển khai xây dựng thành phố thông minh.
Đồng chí Nguyễn Thị Lệ cùng đoàn trao đổi về cơ chế giám sát của Hội đồng chung với chính quyền thủ đô; mối quan hệ tài chính giữa hội đồng và chính quyền; sự giám sát của người dân với hoạt động của Hội đồng chung. Ông Marius Pavel cho biết 55% thành viên Hội đồng chung được bầu ra từ những người dân của thành phố. Các chương trình, dự án sau khi được Hội đồng chung thông qua sẽ chuyển sang nhánh hành pháp – đứng đầu là thị trưởng – thực hiện.
Vai trò giám sát của người dân với hoạt động của Hội đồng chung được thể hiện trực tiếp. Mọi thông tin về các chương trình, dự án đang thực hiện đều được thông tin công khai trên báo chí và Internet để người dân được biết và trực tiếp giám sát. Là một quốc gia có nhiều đảng phái chính trị, các đảng phái này cũng đưa những chương trình, dự án của mình ra để Hội đồng chung thảo luận, nếu được thông qua sẽ được triển khai thực hiện.
Đoàn công tác cũng tìm hiểu sâu về cách thức mà chính quyền Thủ đô Bucharest đánh giá sự hài lòng của người dân với chính quyền. Ông Marius cho biết ở Bucharest không có một chỉ số hài lòng chung cho tất cả, mà sẽ đánh giá ở riêng từng lĩnh vực như giao thông công cộng, an ninh…
Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thành phố thông minh, ông Marius Pavel cho biết Bucharest thành lập các nhóm chuyên gia về công nghệ thông tin, tập trung giải quyết những nhu cầu bức thiết chính đáng của người dân thành phố. Chẳng hạn như ở Bucharest là vấn đề sưởi ấm trong mùa đông thì các nghiên cứu công nghệ tập trung để giải quyết vấn đề này. Hiện nay phía Romania cũng đang xây dựng một nhà máy xử lý chất thải lớn nhất khu vực Nam Âu để đảm bảo tất cả nước thải ra sông, kênh phải là nước sạch.
Nói về thời gian để xây dựng đô thị thông minh, ông Pavel cho biết đã bắt đầu thực hiện từ 2010, đến nay cũng chưa phải là một thành phố thông minh hoàn toàn, nhưng mỗi ngày chính quyền thành phố Bucharest đều cố gắng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân.
Trước đó, đoàn làm thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Romania. Đại sứ Đặng Trần Phong cho biết Đại sứ quán rất mong chờ các đoàn địa phương từ Việt Nam sang, nhất là TPHCM. Đại sứ thông tin về mối quan hệ truyền thống ngày càng tốt đẹp giữa hai nước. Thủ đô Bucharest rất mong muốn được kết nghĩa với TPHCM vì phía bạn thấy được và trân trọng vai trò của TPHCM trong phát triển kinh tế xã hội chung của Việt Nam. Phía bạn cũng muốn coi Việt Nam, nhất là TPHCM là cửa ngõ để bước vào thị trường Đông Nam Á.
Đại sứ thông tin thêm, dù trong khối Liên minh châu Âu hiện nay kinh tế Romania tương đối khó khăn, nhưng nói về cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông công cộng thì nước bạn có nền tảng rất tốt. Các hoạt động văn hóa, âm nhạc, y học cũng rất được chú trọng. Bucharest được mệnh danh là Paris thu nhỏ của Đông Âu, rất coi trọng việc bảo tồn di sản, các công trình văn hóa, các nhà cổ, làng cổ được giữ gìn tốt bậc nhất châu Âu.
Thay mặt đoàn, đồng chí Nguyễn Thị Lệ thông tin khái quát về tình hình phát triển của TPHCM. Trong đó chủ đề năm tới TPHCM xác định là năm đẩy mạnh các hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Vừa qua HĐND TP cũng giám sát về công tác bảo tồn di sản. Một trong những mục tiêu của đoàn công tác lần này cũng là tìm hiểu kinh nghiệm của bạn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các công trình lịch sử văn hóa. Trong khuôn khổ chương trình làm việc, đoàn cũng đi thăm một số công trình văn hóa tiêu biểu, tìm hiểu về công tác bảo tồn và phát huy giá trị các công trình này, phục vụ phát triển kinh tế xã hội.