Đoàn đại biểu người có uy tín tiêu biểu tham quan Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nằm trong Chương trình 'Điểm tựa của bản làng' lần thứ 2 năm 2024 do Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức, sáng 15/6, đoàn đại biểu gồm 200 người có uy tín tiêu biểu là các già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, người có uy tín tiêu biểu khu vực biên giới, biển, đảo đã đi tham quan, dâng hương tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông (K9), Ba Vì, Hà Nội.

Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn và đoàn đại biểu dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Dân Chủ

Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn và đoàn đại biểu dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Dân Chủ

Cùng đi với đoàn có các đồng chí: Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn, Phó Chính ủy BĐBP; Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Thiếu tướng Văn Ngọc Quế, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP; Đại tá Phạm Văn Hiếu, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Nguyễn Thị Kim Ngọc, Ủy viên Ban Biên tập, Chánh Văn phòng Tạp chí Cộng sản; Nguyễn Mạnh Quang, Phó trưởng Ban Dân tộc, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn thắp hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Dân Chủ

Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn thắp hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Dân Chủ

Tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn đại biểu người có uy tín tiêu biểu là các già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, người có uy tín tiêu biểu khu vực biên giới, biển, đảo tham dự Chương trình “Điểm tựa của bản làng” lần thứ 2 năm 2024 thành kính tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Các đại biểu bày tỏ lòng thành kính, sự biết ơn sâu sắc đến công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Người đã cống hiến, hy sinh trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đấu tranh cho hòa bình và hạnh phúc của nhân dân Việt Nam và thế giới. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người mãi mãi trường tồn với non sông, đất nước, soi đường, chỉ lối cho cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Người đã đi xa, nhưng di sản Người để lại cho Đảng ta, nhân dân ta là vô cùng quý giá đó là tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, để chúng ta thường xuyên học tập và noi theo.

Thiếu tướng Văn Ngọc Quế thắp hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Dân Chủ

Thiếu tướng Văn Ngọc Quế thắp hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Dân Chủ

Với mục tiêu tôn vinh và phát huy vai trò của những người có uy tín tiêu biểu ở vùng biên giới, hải đảo nhằm biểu dương kịp thời những đóng góp hết sức quan trọng của người có uy tín trong cộng đồng và những người có thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”; đồng thời, tạo diễn đàn trao đổi kinh nghiệm giữa người uy tín trong cộng đồng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, qua đó nhân rộng, lan tỏa những cách làm hay, gương người tốt và động viên, khích lệ người có uy tín tiếp tục có những cống hiến nhiều hơn cho sự phát triển của mỗi cộng đồng dân tộc, tiếp nối thành công của Chương trình lần thứ nhất, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và và Bộ Tư lệnh BĐBP tiếp tục triển khai tổ chức Chương trình “Điểm tựa của bản làng” lần thứ 2, năm 2024.

Đoàn đại biểu dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Dân Chủ

Đoàn đại biểu dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Dân Chủ

Chương trình “Điểm tựa của bản làng” lần thứ 2 năm 2024 có sự tham dự của 200 đại biểu tiêu biểu là người có uy tín thuộc 47 dân tộc, đến từ 43 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đường biên giới trên đất liền và trên biển. Nhiều mô hình hiệu quả trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc nơi biên cương của Tổ quốc, trong công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, gắn với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện, như: Mô hình kết nghĩa quân dân; “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”; “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng”; “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”; “Dòng họ tự quản đường biên, cột mốc”... ra đời từ những sáng kiến của người có uy tín hoặc được người có uy tín đi đầu hưởng ứng và tổ chức cho bản làng thực hiện.

Đoàn đại biểu tham quan Nhà làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1960 đến 1969. Ảnh: Dân Chủ

Đoàn đại biểu tham quan Nhà làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1960 đến 1969. Ảnh: Dân Chủ

Những hành động tốt, việc làm hay của đội ngũ người có uy tín, các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, chức sắc, chức việc tôn giáo thực sự có sức lay động lòng người, truyền cảm hứng để những điều hay, lẽ phải được nhân lên trong cuộc sống. Sự bình yên và phồn vinh của biên cương Tổ quốc luôn in dấu sâu đậm những đóng góp, cống hiến, hy sinh của đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung, của người có uy tín nói riêng. Đây thực sự là những “Điểm tựa của bản làng” ở những vùng đất trọng yếu của Tổ quốc chúng ta.

Tiếp đó, đoàn đại biểu đã tham quan Nhà làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1960 đến 1969.

Chương trình tham quan Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông (K9) nhằm kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 113 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Đây là một trong những hoạt động trong chương trình "Điểm tựa của bản làng" lần thứ 2 năm 2024, hướng tới mục tiêu tiếp tục phát huy vai trò của lực lượng quần chúng đặc biệt, góp phần chăm lo, động viên đội ngũ người có uy tín thực sự là những người tiêu biểu, gương mẫu, là điểm tựa gắn kết giữa các dân tộc, là cầu nối giữa ý Đảng và lòng dân, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam nơi biên cương, biển, đảo của Tổ quốc.

Dân Chủ

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/doan-dai-bieu-nguoi-co-uy-tin-tieu-bieu-tham-quan-khu-di-tich-chu-tich-ho-chi-minh-post477037.html