Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang thảo luận tại nghị trường về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)
BHG - Sáng 10.11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV tiếp tục thảo luận tập trung tại hội trường về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Đoàn ĐBQH Hà Giang có đại biểu Hoàng Ngọc Định và Tráng A Dương đăng ký và tham gia thảo luận. Trước khi bước vào phần thảo luận, Quốc hội đã bỏ phiếu biểu quyết thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở với 88,96% đại biểu tán thành.
Góp ý vào dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đại biểu Hoàng Ngọc Định đồng tình cao với sự cần thiết sửa đổi Luật Hợp tác xã, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững.
Góp ý vào dự thảo Luật, về tên gọi mới của dự án là Luật các tổ chức kinh tế hợp tác thay cho tên Luật Hợp tác xã hiện hành. Đại biểu đồng tình với ý kiến của đại biểu Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông. Mặc dù dự thảo Luật lần này có mở rộng đối tượng điều chỉnh là Tổ hợp tác, HTX, Liên hiệp Hợp tác xã, Liên đoàn HTX nhưng trong đó hợp tác xã vẫn là nòng cốt nên cần giữ nguyên tên Luật Hợp tác xã như hiện nay.
Theo đại biểu, tên gọi “Hợp tác xã” được sử dụng và gắn liền với lịch sử phát triển của Việt Nam và phù hợp với nhiều quốc gia trên thế giới. Việc lấy hợp tác xã làm trung tâm để xây dựng khung pháp lý đối với các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác vẫn bảo đảm bao quát mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng đối với các loại hình HTX, mặt khác tránh việc thay đổi tên gọi dẫn đến các chi phí xã hội và hệ lụy phát sinh liên quan đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, rà soát, dẫn chiếu trong các văn bản pháp luật hiện hành để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Khái niệm “Kinh tế hợp tác” là một phạm trù rất rộng mà không phải chỉ có ở trong tổ hợp tác, HTX, liên hiệp hợp tác xã và liên đoàn hợp tác xã. Các doanh nghiệp hợp tác với doanh nghiệp (cả trong và ngoài nước), các doanh nghiệp hợp tác với HTX, tổ hợp tác, hộ nông dân... đều là kinh tế hợp tác, thậm chí hiện đang có xu hướng hợp tác theo chuỗi giá trị sản phẩm từ đầu vào đến đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, lấy khái niệm này để gói vào 2 hình thức HTX và tổ hợp tác là không phù hợp.
Đại biểu Hoàng Ngọc Định cho rằng, về khái niệm “Hợp tác xã”, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu để chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện. Vì khái niệm đưa ra tại dự thảo Luật chưa bao hàm được quan điểm “nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi và quản lý dân chủ” theo quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết T.Ư 5vì đây chính là bản chất của HTX hay chính là sự thể hiện khác biệt giữa “kinh tế tập thể với các thành phần kinh tế khác”.
Theo đại biểu, quy định về chính sách hỗ trợ phát triển HTX, Liên minh HTX.Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định rõ tại dự thảo Luật về việc giao Liên minh HTX thực hiện một số nội dung dịch vụ công để có thể củng cố, tăng cường hoạt động của hệ thống Liên minh HTX trong việc hỗ trợ, thúc đẩy tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới theo đúng chủ trương của Nghị quyết 20.
Đối với HTX, đại biểu đề nghị, trong điều kiện hiện nay, HTX còn nhỏ, siêu nhỏ cả về số lượng, quy mô, còn nhiều khó khăn, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ và quy định ngay trong dự thảo luật này hoặc nghị định về hỗ trợ, tạo điều kiện cho HTX bằng cơ chế miễn, giảm thuế trong giai đoạn đầu thành lập mới thực sự tác động, thúc đẩy và đáp ứng được mong mỏi, nguyện vọng của các HTX.
Ngoài ra, đại biểu cũng góp ý vào một số điều khoản cụ thể quy định về thành viên sáng lập tổ hợp tác tại Điều 22 và Chương VI; về quy định thành viên hợp tác xã Điều 74; quy định về tổ chức đại diện của các tổ chức kinh tế hợp tác tại Điều 106, 107.
Thảo luận về dự án Luật, đại biểu Tráng A Dương đánh giá dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) được Chính phủ chuẩn bị công phu, có những điểm mới khác so với Luật Hợp tác xã năm 2012.
Về thành lập Liên đoàn Hợp tác xã, đại biểu cho rằng cần có một điều luật cơ bản trong Dự thảo luật lần này để thể chế hóa, căn cứ pháp lý việc thành lập và phát triển các Liên đoàn hợp tác xã, trên cơ sở đó giao cho Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.
Thứ hai, theo đại biểu Tráng A Dương, liên đoàn hợp tác xã là mô hình phổ biến tại nhiều nước trên thế giới phát triển rất mạnh, vừa là tổ chức kinh tế tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh phục vụ hỗ trợ thành viên, vừa là hoạt động như một tổ chức đại diện của một ngành lĩnh vực trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, cung ứng và tiêu dùng.
Đại biểu cho rằng, việc tổ chức mô hình liên đoàn ở các vùng, các cấp là thể hiện sự tham gia liên kết giữa các thành viên của mỗi liên đoàn đến nhiều địa phương trong vùng cũng như nhiều vùng trong cả nước. Hoạt động của các liên đoàn này cũng như các hoạt động của tất cả các tổ chức kinh tế hợp tác không giới hạn về không gian và địa lý. Các tổ chức kinh tế hợp tác có thể mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tùy theo nhu cầu và năng lực của mình.
Thứ ba, tại Việt Nam có rất nhiều các tổ chức hợp tác có quy mô lớn, tuy nhiên các tổ chức này hoạt động trên phạm vi cả nước đang gặp rất nhiều hạn chế trong quy định của pháp luật hiện hành như về biểu quyết, tỷ lệ góp vốn tối đa của thành viên, quỹ sử dụng không chia và tài sản không chia. Ngoài ra, đại biểu Tráng A Dương cho rằng, Chính phủ cũng nên giao cho Liên minh HTX nghiên cứu đề xuất quy định thành lập tổ chức hoạt động và nội dung, phương pháp, tổ chức phối hợp với liên đoàn hợp tác xã được thể hiện tại Nghị quyết số 34 Chương trình hành động của Chính phủ và Kết luận 70 của Bộ Chính trị.
Thứ tư, việc thành lập mô hình Liên đoàn HTX trên cơ sở các hợp tác, liên hiệp hợp tác xã tự nguyện thành lập, Nhà nước không mất kinh phí trong việc thành lập, tạo hành lang pháp lý rõ ràng định hướng cho các tổ chức kinh tế hợp tác xã phát triển, quy định mô hình mới để đảm bảo chính sách Nhà nước theo kịp xu hướng phát triển, đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tiễn của các tổ chức kinh tế hợp tác, tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế hợp tác có quy mô lớn ở nước ta phát triển.