Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình tiếp xúc cử tri
Chiều 2/7, tại Nhà văn hóa huyện Gia Viễn, các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch-Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Đinh Việt Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và các vị đại biểu Quốc hội tỉnh đã có buổi tiếp xúc với cử tri huyện Gia Viễn.
Dự buổi tiếp xúc có các đồng chí: Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Bùi Hoàng Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo huyện và đại biểu cử tri các xã, thị trấn của huyện Gia Viễn.
Tại buổi tiếp xúc, sau khi nghe thông báo kết quả kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, cử tri bày tỏ vui mừng, phấn khởi trước thành công của kỳ họp. Đặc biệt, tại kỳ họp, Quốc hội đã tín nhiệm bầu đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương - người con quê hương Ninh Bình giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Với tinh thần thẳng thắn, dân chủ, cởi mở, cử tri phản ánh những khó khăn, bất cập nảy sinh từ thực tiễn đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các cấp, các ngành, địa phương quan tâm giải quyết. Trong đó, đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu bổ sung, mở rộng thêm các dịch vụ, các danh mục thuốc điều trị đối với nhóm đối tượng khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế hoặc có chính sách cấp bù chi phí khám, chữa bệnh đối với các loại thuốc, dịch vụ ngoài danh mục bảo hiểm y tế cho các đối tượng này khi khám điều trị bệnh, nhất là các bệnh hiểm nghèo có chi phí điều trị cao, hạn chế tối đa tình trạng người dân phải tự mua ngoài, tạo điều kiện cho những người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người có công với cách mạng... được khám điều trị tất cả các loại bệnh.
Cử tri bày tỏ vui mừng, phấn khởi khi Quốc hội đã ban hành nghị quyết về điều chỉnh mức lương cơ sở, mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng. Tuy nhiên, cử tri cũng đề nghị Quốc hội xem xét nâng mức hưởng cho người có công để đảm bảo tương quan với các đối tượng khác và đúng với chủ trương, quan điểm của Đảng là đảm bảo mức sống của người có công với cách mạng bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú; đồng thời đề nghị Chính phủ có biện pháp ổn định giá cả thị trường, chống lạm phát, nhất là những mặt hàng tiêu dùng.
Cử tri cũng đề nghị Quốc hội nghiên cứu bổ sung trong công tác tuyển quân tại các địa phương các nam thanh niên trong độ tuổi tạm trú, làm trong các doanh nghiệp, nhà máy để công tác giao quân hàng năm được đảm bảo hơn nữa; nghiên cứu ban hành những chính sách mới phù hợp với nông nghiệp, nông dân, nông thôn để thu hút các nhà đầu tư, tạo thêm nhiều việc làm cho lực lượng lao động nông nghiệp.
Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cử tri đề nghị cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa, quyết liệt hơn, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ, sàng lọc kỹ càng quy trình bổ nhiệm cán bộ ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực; tăng cường hơn nữa các hoạt động giám sát chuyên đề việc thực hiện pháp luật lao động của các doanh nghiệp.
Cử tri đề nghị các cấp, các ngành tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý về phòng cháy, chữa cháy; ban hành nhiều giải pháp triệt để hơn nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Liên quan đến công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, cử tri đề nghị các cấp, các ngành sớm triển khai công trình nâng cấp và mở rộng tuyến đê sông Hoàng Long, góp phần sớm xóa bỏ vùng phân lũ, chậm lũ của Trung ương; đề nghị sớm triển khai thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030"; quan tâm bố trí nguồn ngân sách thỏa đáng cho công tác bảo vệ môi trường…
Về chính sách an sinh xã hội, cử tri đề nghị có thêm các chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ có mức sống trung bình; xem xét tăng mức quà trong dịp lễ, Tết, ngày 27/7 hàng năm cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công và mức trợ cấp một lần thờ cúng liệt sĩ. Đề nghị mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách phát triển giáo dục mầm non theo tinh thần Nghị định 105 ngày 8/9/2020 của Chính phủ. Theo đó, đề nghị có thêm quy định con công nhân, người lao động làm việc tại các Cụm công nghiệp cũng được thụ hưởng chính sách phát triển giáo dục mầm non, thay vì hiện tại mới quy định đối tượng con công nhân, người lao động làm việc tại các Khu công nghiệp.
Quan tâm đến vấn đề sắp xếp đơn vị hành chính, cử tri đề nghị sau khi thực hiện sắp xếp cần có phương án giải quyết phù hợp đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở xã, ở thôn dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính. Đồng thời cần xử lý cơ sở vật chất của các đơn vị hành chính sau khi sắp xếp đảm bảo hợp lý, tránh lãng phí…
Tại buổi tiếp xúc, đại diện lãnh đạo các sở, ngành đã trả lời làm rõ các kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền.
Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cảm ơn sự tin tưởng, ủng hộ của cử tri trong suốt thời gian qua, mong muốn tiếp tục nhận được quan tâm, đóng góp của cử tri và nhân dân để hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh ngày càng chất lượng, hiệu quả.
Ghi nhận các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm cử tri, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh khẳng định đây là những vấn đề được rút ra từ kinh nghiệm, thực tiễn công tác.
Đồng chí cũng trao đổi, làm rõ những kiến nghị của cử tri liên quan đến chính sách hỗ trợ cán bộ dôi dư, sử dụng tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính; về chính sách phát triển giáo dục mầm non; vấn đề nhà ở xã hội; về tăng mức quà trong dịp lễ, Tết, ngày 27/7 hàng năm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công; về xây các cây cầu thay thế cho việc đi phà qua sông Hoàng Long; về những vướng mắc trong quá trình thực thi Luật Nghĩa vụ quân sự; công tác phòng, chống tham nhũng; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong bối cảnh mới…
Đối với các kiến nghị liên quan đến công tác an ninh mạng, đồng chí đề nghị mỗi người dân, cử tri, nhất là cán bộ, đảng viên thực hiện văn hóa trên môi trường mạng.
Liên quan đến kiến nghị của cử tri về nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, trong đó có đề nghị tăng cường hoạt động giám sát, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết thời gian tới Quốc hội sẽ tăng cường các hoạt động giám sát chuyên đề đối với các vấn đề mà cử tri quan tâm.
Với những vấn đề thuộc thẩm quyền địa phương, đồng chí đề nghị cơ quan chức năng của tỉnh quan tâm giải quyết, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cử tri, nhân dân.
* Sáng cùng ngày, tại Nhà văn hóa huyện Yên Mô, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Đinh Việt Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và các vị đại biểu Quốc hội tỉnh đã có buổi tiếp xúc với cử tri huyện Yên Mô.
Dự buổi tiếp xúc có các đồng chí: Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Bùi Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Trần Song Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Mai Hoa, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Cùng dự có Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo huyện và đông đảo tri huyện Yên Mô.
Tại buổi tiếp xúc, đồng chí Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã thông báo kết quả kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Theo đó, tại kỳ họp, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 11 luật; xem xét, thông qua 21 nghị quyết; cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án luật; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.
Quốc hội đã xem xét, quyết định bầu Chủ tịch Quốc hội khóa XV đối với đồng chí Trần Thanh Mẫn; bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với đồng chí Tô Lâm. Vinh dự và tự hào cho quê hương Ninh Bình, tại kỳ họp, Quốc hội đã tiến hành bầu đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội cũng phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với đồng chí Lê Thành Long; bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đối với đồng chí Nguyễn Thanh Hải; phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Công an nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với đồng chí Lương Tam Quang…
Cử tri bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi về những đổi mới trong hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, tạo những chuyển biến tích cực trong đời sống của người dân. Bên cạnh đó, cử tri bày tỏ băn khoăn trước các vấn đề thực tiễn đang đặt ra, đòi hỏi các cấp, các ngành phải có sự vào cuộc mạnh mẽ nhằm khắc phục những bất cập.
Theo đó, liên quan đến chế độ, chính sách cho cán bộ, cử tri đề nghị Bộ Nội vụ ban hành quy định chi trả phụ cấp cho người giữ chức danh lãnh đạo của các hội đặc thù (không phân biệt người nghỉ hưu hay không nghỉ hưu). Đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức theo hướng quy định cán bộ, công chức Nhà nước có 4 cấp. Đề nghị điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của chức danh Văn phòng Đảng ủy cấp xã cho phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Liên quan đến lĩnh vực an toàn thông tin mạng, cử tri kiến nghị Quốc hội và các cơ quan chức năng có công cụ hữu hiệu bằng pháp luật và các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn nữa việc sử dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo AI trên không gian mạng; quản lý chặt chẽ việc phát hành sim điện thoại, ngăn chặn triệt để việc sử dụng sim điện thoại (sim rác); có giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi các loại tội phạm công nghệ cao qua mạng xã hội.
Liên quan đến chính sách BHYT, cử tri đề nghị hỗ trợ cấp miễn phí thẻ BHYT đối với cựu chiến binh đã từng nhập ngũ sau 30/4/1975, đã phục viên, xuất ngũ trong giai đoạn sau 30/4/1975 - 31/8/1989, có thời gian tại ngũ 3 năm trở lên…
Ngoài ra, cử tri đề nghị các cấp có thẩm quyền giao thêm biên chế tối thiểu đảm bảo ít nhất 50% nhu cầu tăng thêm hoặc giao chỉ tiêu hợp đồng để UBND huyện chủ động thực hiện trước thềm năm học mới 2024-2025; xem xét điều chỉnh phân vùng lương tối thiểu của huyện Yên Mô; đề nghị sửa đổi Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố theo hướng quan tâm hơn nữa đến quyền lợi của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố đảm bảo quyền lợi (hiện nay, những người này không được hưởng đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động nên thiệt thòi rất lớn đến quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội). Đồng thời quan tâm sớm khởi công và đầu tư dự án kết nối nút giao Khánh Hòa đến đê hồ Yên Thắng.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh đã trả lời kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trân trọng cảm ơn các ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm của cử tri. Bày tỏ niềm vui trước sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, của huyện Yên Mô, nhất là những thành tựu trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao định hướng chiến lược phát triển của tỉnh Ninh Bình với mục tiêu phấn đấu đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.
Đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đã thông tin đến cử tri về các nghị quyết được thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, trong đó có Nghị quyết về quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; về một số điểm mới trong Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15. Đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan, đơn vị chức năng sớm tuyên truyền đưa luật vào cuộc sống.
Tiếp thu ý kiến của cử tri, đồng chí cũng trao đổi làm rõ một số kiến nghị của cử tri liên quan đến công tác đầu tư hạ tầng giao thông; về gìn giữ, phát huy các giá trị di sản văn hóa, nhất là nghệ thuật hát Xẩm…
Đối với đề nghị điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của chức danh Văn phòng Đảng ủy cấp xã; vấn đề liên thông công chức cấp xã với công chức cấp trên, Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận để chuyển đến cơ quan chức năng xem xét giải quyết.
Đặc biệt lưu ý về những vấn đề liên quan đến công tác bảo đảm an ninh mạng, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, mỗi người dân cũng cần nâng cao nhận thức, trở thành những người sử dụng mạng xã hội thông thái.