Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng thảo luận dự thảo Luật Cảnh sát cơ động
Sáng ngày 26-10, Quốc hội thảo luận trực tuyến dự thảo Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) do Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chủ trì. Đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng, đồng chí Tô Ái Vang - Phó trưởng Đoàn chuyên trách tham gia phát biểu thảo luận cùng các điểm cầu trên cả nước. Báo Sóc Trăng trích ý kiến đóng góp của đồng chí Tô Ái Vang đối với dự thảo luật này.
Chức năng, nhiệm vụ CSCĐ phải hài hòa với các lực lượng
Dự án Luật CSCĐ gồm 5 chương, 31 điều; xác định 7 nhóm nhiệm vụ cơ bản của CSCĐ, trong đó kế thừa những nhiệm vụ còn phù hợp của Pháp lệnh CSCĐ, đồng thời bổ sung 2 nhiệm vụ cho CSCĐ, đây là các nhiệm vụ trên thực tế CSCĐ đang thực hiện, nay cần được luật hóa để bảo đảm tính ổn định, đồng bộ, thống nhất, nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi.
Để góp phần hoàn thiện dự thảo luật, tại khoản 2, Điều 4 Nguyên tắc hoạt động của CSCĐ, quy định “Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các điều ước quốc tế”, đề nghị bổ sung khoản này như sau: “Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”, để tương thích với khoản 1, Điều 7 về Hợp tác quốc tế của CSCĐ. Tương tự, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát tổng thể trong dự thảo luật để bổ sung nội dung trên vào quy định trong các điều như: khoản 6, Điều 10, khoản 6, Điều 14… để mang tính đồng bộ.
Tại Điều 13 - Hệ thống tổ chức của CSCĐ, tôi chọn phương án 1, dựa trên cơ sở Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 56 của Quốc hội khóa XIV, về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 88 của Chính phủ, yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan, gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, cương quyết giảm đầu mối, giảm khâu trung gian, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Phương án 1 sẽ mang tính tương thích với các luật như: Điều 17 của Luật Công an nhân dân; Điều 21 của Luật Biên phòng Việt Nam…
Tại Khoản 1, Điều 17 – Huy động người, phương tiện, thiết bị, quy định “Trong trường hợp cấp bách để thực hiện nhiệm vụ được quy định tại khoản 2, Điều 9 của luật này, CSCĐ được huy động người, phương tiện, thiết bị và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện, thiết bị đó…”. Điều này tôi kiến nghị bổ sung: “phối hợp với các lực lượng liên quan để, bỏ từ “được” sau cụm từ CSCĐ”. Khoản này được viết lại như sau: “Trong trường hợp cấp bách, để thực hiện nhiệm vụ được quy định tại khoản 2, Điều 9 của luật này, CSCĐ phối hợp với các lực lượng liên quan để huy động người, phương tiện, thiết bị và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện, thiết bị đó…”. Như vậy, để phù hợp với điểm a, khoản 1, Điều 19 của dự thảo Luật CSCĐ quy định “Việc phối hợp phải trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng theo quy định của pháp luật, quyết định của cấp có thẩm quyền và phù hợp với tình hình thực tế”...
PHƯỚC LIÊU (thực hiện)