Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Tham gia chất vấn 4 nhóm vấn đề
Ngày 7/11, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tiếp tục nội dung chất vấn và trả lời chất vấn. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh do đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã tham gia chất vấn 4 nhóm vấn đề.
Theo đó, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đã chất vấn về những giải pháp thực hiện thành công Nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã (ĐVHC CH, CX) giai đoạn 2023-2030. Theo đó, Nghị quyết số 117 của Chính phủ về Ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp ĐVHC CH, CX giai đoạn 2023-2025 yêu cầu việc sắp xếp ĐVHC CH, CX giai đoạn 2023-2025 với thời gian chưa đến một năm để chuẩn bị đại hội cấp cơ sở nhiệm kỳ 2025-2030. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết giải pháp để thực hiện thành công Nghị quyết số 35 của UBTVQH.
Khẳng định việc sắp xếp ĐVHC CH, CX giai đoạn 2023-2025 là chủ trương lớn, là việc khó, đòi hỏi quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, qua tổng rà soát, cả nước có 58 tỉnh phải tiến hành rà soát 33 ĐVHC cấp huyện, hàng nghìn ĐVHC cấp xã, đây là một khối lượng công việc rất lớn.
Bộ trưởng cho rằng, hơn lúc nào hết, cần tập trung tuyên truyền để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong dư luận xã hội và các tầng lớp nhân dân để tiến hành sắp xếp ĐVHC CH, CX. Cùng với đó, cần bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là người đứng đầu cần thật sự quyết tâm, quyết liệt, phát huy vai trò, trách nhiệm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện việc sắp xếp đồng bộ, toàn diện, thận trọng, cụ thể, bám sát các tiêu chí, điều kiện đặc thù để việc sắp xếp thỏa mãn được các yêu cầu thực tiễn, nhất là những yếu tố đặc thù.
Đến nay đã có 48/58 địa phương trong diện sắp xếp lại gửi phương án về Bộ Nội vụ. Bộ trưởng đề nghị các địa phương còn lại khẩn trương gửi phương án để triển khai xây dựng đề án. Bộ trưởng cũng đề nghị chủ động bố trí các nguồn lực, đồng thời nhấn mạnh đây là việc khó, phức tạp, nhạy cảm, đòi hỏi sự thận trọng, kỹ lưỡng, cụ thể, sát sao, chặt chẽ, hiệu quả; phải hết sức lưu ý để các đối tượng chịu tác động không bị ảnh hưởng, nhất là đối tượng cán bộ, công chức dôi dư, đội ngũ cán bộ công chức cấp xã.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) về việc tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, đại biểu đã chất vấn về những giải pháp để hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm cho lao động nữ, đối tượng dễ bị tổn thương và thiệt thòi sau dịch Covid-19. Tuy nhiên, báo cáo thực hiện các nghị quyết giám sát của Chính phủ chưa đề cập đề cập đến nội dung này. Trong bối cảnh chiến lược quốc gia về bình đẳng giới vẫn còn nhiều khoảng trống, nhiều mục tiêu trong chiến lược còn nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nội dung chất vấn trên đã được giải quyết như thế nào.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH cho biết, thời gian sau dịch, lao động nữ, nhất là lao động trong các khu công nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt là các ngành giày da, dệt may… Sau phiên họp chất vấn, bước đầu, Bộ LĐ-TB và XH đã xây dựng đề án nâng cao chất lượng đào tạo nghề, vay vốn, giới thiệu việc làm trình Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã có phiên làm việc với Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam để xây dựng đề án, chương trình hỗ trợ cho các đối tượng nữ lập nghiệp; giao Ngân hàng Chính sách xã hội có nguồn vốn riêng hỗ trợ phụ nữ trong lập nghiệp, khởi nghiệp... Đó là những nội dung bước đầu mà Bộ LĐ-TB và XH thực hiện để hỗ trợ phụ nữ sau dịch Covid-19. Thời gian tới, bộ sẽ tiếp tục triển khai các nội dung trên để bảo đảm thực hiện các mục tiêu trong chiến lược bình đẳng giới.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đã chất vấn các nội dung về giám định tư pháp (GĐTP). Theo đại biểu, trong trưng cầu GĐTP, nhiều trường hợp cơ quan trưng cầu giám định yêu cầu tổ chức, cá nhân GĐTP phải trả lời về việc cần phải áp dụng pháp luật như thế nào. Đại biểu nêu các câu hỏi về hành vi vi phạm pháp luật, thẩm quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong GĐTP và khẳng định, đây là những băn khoăn, lo lắng của rất nhiều tổ chức, cá nhân giám định, mong muốn được các cơ quan có thẩm quyền làm rõ. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết ý kiến về vấn đề này và Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho biết thêm ý kiến.
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, theo quy định trong luật, GĐTP là sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn, về những vấn đề có liên quan đến các hoạt động tố tụng. Đây là những kỹ thuật nghiệp vụ sâu, chuyên môn, cụ thể, ví dụ như khám nghiệm tử thi, kiểm tra hàm lượng ma túy… Theo nội dung đại biểu phản ánh, việc trưng cầu liên quan đến áp dụng pháp luật là vượt quá nội dung, nội hàm GĐTP quy định trong luật.
Theo Bộ trưởng, Luật GĐTP đã quy định tương đối rõ về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trưng cầu giám định và người được trưng cầu. Trong đó có những quy định chung, như: Phải đúng lĩnh vực chuyên môn, đúng nội hàm, đúng phạm vi, trong khả năng của cơ quan giám định theo quy định, có quyền từ chối nếu không đúng các phạm vi. Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, làm rõ hơn nữa về nội dung này.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT), đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga cho biết, giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho thấy, mức lương giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non còn rất thấp nhưng áp lực công việc rất lớn. Tại buổi đối thoại của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT với 1 triệu nhà giáo đã có 6.000 câu hỏi gửi tới Bộ trưởng liên quan đến vấn đề này.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 29 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT yêu cầu lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết chủ trương này của Đảng có được cụ thể trong cải cách tiền lương (CCTL) năm 2024 hay không và các giải pháp về chính sách cho nhà giáo. Đại biểu cũng chuyển câu chất vấn tới Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định sự nhất quán trong quan điểm của Đảng về lương nhà giáo được ưu tiên xếp thang bảng lương cao nhất trong hệ thống hành chính sự nghiệp trong việc thực hiện các chính sách CCTL tới đây. Trước mắt, cần nhìn một cách tổng thể, tổng thu nhập của nhà giáo hiện nay gồm có lương và tiền lương theo các bậc chức danh nghề nghiệp, các loại phụ cấp lương, tuy nhiên do tính chất đặc thù nên vẫn còn thấp.
Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới, khi thực hiện các chính sách tiền lương, Bộ Nội vụ sẽ căn cứ theo Nghị quyết số 27, đặc biệt là quán triệt tinh thần Nghị quyết số 29, là lương nhà giáo được ưu tiên xét theo thang, bảng lương cao nhất trong hệ thống hành chính sự nghiệp. Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ GD-ĐT rà soát lại các quy định về tiền lương, nhất là tiền lương mới và các phụ cấp về dự kiến phụ cấp ưu đãi nghề cao nhất đối với nhà giáo để trình cấp có thẩm quyền xem xét và quyết định.