Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội
Ngày 09/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội; ngân sách nhà nước và kế hoạch tài chính – ngân sách.
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thành Nam phát biểu thảo luận
(baophutho.vn) - Ngày 9/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội; ngân sách nhà nước và kế hoạch tài chính – ngân sách.
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội dành cả ngày để tiếp tục thảo luận về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2022-2024...
Tham gia phát biểu tại hội trường, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thành Nam cho rằng: Để tạo điều kiện đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển tại địa phương; một trong những nút thắt cần được tháo gỡ đó là cơ chế trong lĩnh vực đất đai. Theo đại biểu, việc điều chỉnh quy hoạch đất lúa và các loại đất rừng, trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phân khai chỉ tiêu sử dụng đất và ban hành Nghị quyết phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh trong đó xác định rõ diện tích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng cuối kỳ quy hoạch và chỉ tiêu được phép chuyển mục đích các loại đất trên sang mục đích phi nông nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng khi triển khai thực hiện đến mỗi dự án, mỗi công trình cần chuyển 10ha đất lúa, 20ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng và 50ha đất rừng sản xuất thì một lần nữa lại phải xin ý kiến các Bộ, ngành để trình Thủ tướng Chính phủ. Đại biểu đề nghị, trong điều kiện chưa đủ thời gian để điều chỉnh, bổ sung Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp và các luật có liên quan, đề nghị Quốc hội xem xét để HĐND cấp tỉnh áp dụng cơ chế đặc thù để chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng theo đúng quy định kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt mà không phải xin ý kiến các Bộ, ngành để trình Thủ tướng Chính phủ lần thứ hai mà Trung ương dành thời gian để kiểm tra thực hiện các chỉ tiêu về quy hoạch đất đai theo kế hoạch đã được duyệt.
Đề cập đến việc thực hiện chủ trương của Đảng, của Chính phủ trong việc sắp xếp, sáp nhập, tinh giản bộ máy hành chính, giải thể một số đơn vị sự nghiệp công lập, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cho biết: Việc sắp xếp, xử lý tài sản công là đất đai, tài sản, thu hồi nợ theo quy định là việc làm diễn ra thường xuyên. Luật Quy hoạch và các luật liên quan quy định việc điều chỉnh với cấp đô thị loại 1 trở lên thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên thực tế cho thấy, có nhiều dự án điều chỉnh ở quy mô rất nhỏ, nhất là thu hồi đất trụ sở một cơ quan hành chính nhưng cũng phải thực hiện đầy đủ các thủ tục để trình Thủ tướng phê duyệt; như vậy sẽ kéo dài thời gian, không kịp thời đáp ứng nhu cầu các nhà đầu tư, làm lãng phí nguồn lực của Nhà nước. Từ thực tiễn trên, đại biểu Nguyễn Thành Nam đề nghị Quốc hội xem xét ủy quyền cho HĐND cấp tỉnh được phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị từ loại 1 trở xuống ở các vị trí đất thu hồi do sắp xếp sử dụng, quy hoạch giao thông và các vị trí độc lập không mang tính liên kết vùng.
Kết luận 2 ngày thảo luận tại hội trường, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đã có 120 đại biểu Quốc hội thuộc 57 Đoàn ĐBQH phát biểu, có 2 đại biểu tham gia tranh luận. Các Bộ trưởng 5 Bộ đã tham gia phát biểu, giải trình thêm một số vấn đề liên quan. Nhìn chung, không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm. Các ý kiến thảo luận phong phú, toàn diện, sâu sắc, thể hiện tâm huyết của các đại biểu đối với các vấn đề quan trọng của đất nước và các vấn đề mà đông đảo cử tri quan tâm. Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cấp và ghi nhận đóng góp to lớn của cả dân tộc, kiều bào ta ở nước ngoài, bạn bè quốc tế để kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội và ngăn chặn đà suy giảm kinh tế. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các ĐBQH, hoàn chỉnh các nghị quyết về ngân sách và kinh tế xã hội gửi ĐBQH cho ý kiến và trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Trong chương trình làm việc ngày 10/11, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.