Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh tham gia ý kiến việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia

Ngày 30/10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Đại biểu Hoàng Thị Đôi, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La phát biểu thảo luận.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Đôi phát biểu tại hội trường.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Đôi phát biểu tại hội trường.

Kính thưa Đoàn Chủ tịch kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội,

Có thể thấy, ngay sau khi Quốc hội ban hành các nghị quyết về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), Chính phủ và các bộ ngành, các địa phương đã khẩn trương, nỗ lực, tập trung triển khai thực hiện. Sau 2 năm triển khai thực hiện, bước đầu 3 chương trình đã tạo ra sự đổi mới, hương sắc mới rất đáng kể trong đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.

Việc Quốc hội tổ chức giám sát “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia” rất có ý nghĩa và nhận được sự quan tâm rất lớn của đồng bào và cử tri cả nước. Đây là cuộc giám sát có nhiều điểm mới, giám sát giữa kỳ, đồng thời cả 3 CTMTQG và ngay khi các Chương trình đang triển khai thực hiện.

Tôi thể hiện sự thống nhất cao với Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội. Báo cáo giám sát đã nhận định, đánh giá rất kỹ lưỡng về kết quả triển khai 3 CTMTQG với hơn 100 trang và hệ thống phụ lục đầy đủ. Tôi xin được thảo luận và kiến nghị thêm một số nội dung như sau:

Một là, về CTMTQG xây dựng nông thôn mới: Thực hiện các QĐ 318/QĐ-TTg và 319/QĐ-TTg của TTCP về ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu, trong đó có một số tiêu chí phân cấp cho địa phương quy định để phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Tuy nhiên một số tiêu chí như: thu nhập, nghèo đa chiều vẫn quy định khá cao, tốc độ phát triển kinh tế xã hội của các xã khó bắt kịp so với chỉ tiêu bộ tiêu chí; một số chỉ tiêu khi áp dụng thực tiễn khó triển khai như chỉ tiêu xã phải có vùng nguyên liệu tập trung để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, thực tế nhiều xã vùng III của các tỉnh không có vùng nguyên liệu tập trung, các sản phẩm nông lâm sản và thủy sản quy mô nhỏ, chủ yếu theo mùa vụ; hoặc chỉ tiêu quy định diện tích sân Bóng đá, thể thao, chỉ tiêu quy định tỷ lệ phần trăm phải hỏa táng chưa phù hợp với vùng, miền, dân tộc,.v.v.

Vì vậy, tôi đề nghị cần có sự rà soát, đánh giá và có sự điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các tiêu chí, chỉ tiêu cho phù hợp tình hình thực tiễn, để triển khai có hiệu quả và đạt mục tiêu đề ra. Đồng thời xem xét, chấp thuận cho các địa phương trong kế hoạch hằng năm, địa phương được điều chỉnh nguồn kinh phí giữa các nội dung trong cùng một dự án không cùng lĩnh vực chi, để nâng cao tính chủ động, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn, hạn chế việc nộp trả ngân sách cho trung ương.

Hai là, việc triển khai nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất (PTSX) trong 3 CTMTQG còn nhiều khó khăn, vướng mắc do thiếu sự đồng bộ từ khâu chỉ đạo, đến xây dựng và sửa đổi các văn bản hướng dẫn thực hiện…như báo cáo giám sát đã nêu, dẫn đến giải ngân vốn sự nghiệp để triển khai nội dung về hỗ trợ PTSX thấp nhất trong các chính sách của 3 CTMTQG.

Để triển khai kịp thời, hiệu quả nội dung hỗ trợ PTSX, trân trọng đề nghị Quốc hội xem xét: Ban hành cơ chế, chính sách đặc thù về thực hiện các CTMTQG để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện hỗ trợ PTSX trong các CTMTQG. Trong đó tập trung vào: (1) Tăng cường phân cấp, trao quyền cho địa phương chủ động lựa chọn, quyết định nội dung, đối tượng thụ hưởng chính sách và cơ chế thực hiện, lồng ghép các nguồn vốn, nhưng vẫn phải đảm bảo hoàn thành mục tiêu đã được Quốc hội và Chính phủ giao; (2) Quyết định việc quản lý tài sản, phân phối thu nhập sau đầu tư của nội dung về hỗ trợ PTSX trong các CTMTQG; (3) Gắn việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các CTMTQG với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Chính phủ và các bộ ngành liên quan nghiên cứu đề xuất phương án tích hợp chính sách hỗ trợ PTSX, thống nhất cơ quan chủ trì quản lý, hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện trong giai đoạn 2026-2030. Sớm hoàn thiện các văn bản, hướng dẫn đang sửa đổi, bổ sung liên quan đến nội dung hỗ trợ PTSX.

Ba là, tôi nhất trí cao với đề xuất, kiến nghị của Đoàn giám sát cho phép kéo dài nguồn vốn được phân bổ năm 2023 của các CTMTQG chưa được giải ngân hết chuyển sang tiếp tục thực hiện đến 31/12/2024. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn các giải pháp, cơ sở để thực hiện giải ngân 100% vốn được phân bổ của năm 2022 chuyển sang thực hiện trong năm 2023, để tạo sự đồng thuận cao trong Quốc hội.

Cuối cùng, tôi bày tỏ sự nhất trí cao với những hạn chế, bất cập, nguyên nhân và đặc biệt là trách nhiệm của Chính phủ, các cơ quan liên quan mà báo cáo Đoàn giám sát đã chỉ ra. Việc tiếp thu, sớm giải quyết, triển khai thực hiện các kiến nghị của Đoàn giám sát là thể hiện sự quyết tâm cao, là giải pháp quan trọng cho sự thành công của các CTMTQG và cũng chính là kỳ vọng của của các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước.

Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/thoi-su-chinh-tri/doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-tham-gia-y-kien-viec-trien-khai-thuc-hien-cac-nghi-quyet-cua-quoc-hoi-ve-cac-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-a9vafmVIg.html