Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức góp ý xây dựng 4 dự án luật mới

Chuyên gia từ các trường đại học và cơ quan tố tụng góp ý cho 4 dự án luật mới là Luật Dẫn độ, Luật Tương trợ tư pháp về dân sự, Luật Tương trợ tư pháp về hình sự, Luật Chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù.

Sáng 9-4, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý cho 4 dự án luật là Luật Dẫn độ, Luật Tương trợ tư pháp về dân sự, Luật Tương trợ tư pháp về hình sự, Luật Chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù.

Bổ sung về trường hợp từ chối dẫn độ

Chủ trì hội thảo là ông Hà Phước Thắng (Thành ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM). Ông Thắng cho biết đợt này Quốc hội chỉ cho ý kiến về 4 dự án luật này, dự kiến tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội sẽ thông qua và dự kiến sẽ có hiệu lực từ tháng 1-7-2026. Do đó, các chuyên gia và người dân có thể nghiên cứu góp ý kiến để tiếp tục hoàn thiện.

 TS Lê Nguyên Thanh (Trường ĐH Luật TP.HCM) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: YC

TS Lê Nguyên Thanh (Trường ĐH Luật TP.HCM) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: YC

Tại hội thảo, TS Lê Nguyên Thanh (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng Điều 39 dự thảo Luật Dẫn độ (về từ chối dẫn độ cho nước ngoài) có các trường hợp như tội phạm bị nêu trong yêu cầu dẫn độ là tội phạm liên quan đến chính trị hoặc liên quan đến quân đội; người bị yêu cầu dẫn độ đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở Việt Nam.

Theo ông Thanh, nên bổ sung trường hợp từ chối dẫn độ nếu tội danh đó ở Việt Nam không quy định án tử hình trong khi nước yêu cầu dẫn độ quy định án tử đối với tội phạm đó, trừ trường hợp nước đó cam kết không thi hành án tử hình. Cạnh đó, có thể bổ sung trường hợp từ chối dẫn độ vì lý do nhân đạo.

Cũng theo ông Thanh, đối với kinh phí dẫn độ sẽ áp dụng theo nguyên tắc chung. Tuy nhiên, có nước giàu nước nghèo và còn tùy thuộc vào sự thỏa thuận của các bên. Vì vậy có thể bổ sung câu “trừ trường hợp các nước có thỏa thuận khác” để áp dụng linh động, uyển chuyển hơn.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Tùng (Phó Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM) gửi gắm mong muốn xây dựng được Luật Dẫn độ làm sao để dẫn độ được những đối tượng phạm tội trốn ra nước ngoài, phải đưa được họ về và vấn đề quan trọng là thu hồi tài sản.

 Quang cảnh hội thảo. Ảnh: YC

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: YC

Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù

Về dự án Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, ông Nguyễn Văn Tùng (Phó Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM) cho rằng về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, cần quy định rõ và bao quát các trường hợp có thể chuyển giao từ Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại. Đồng thời, nên bổ sung quy định về chuyển giao trong trường hợp đặc biệt như người chưa thành niên hoặc người có vấn đề về tâm thần, nhằm đảm bảo tính nhân đạo và phù hợp với các điều ước quốc tế.

Cạnh đó, ông Tùng chia sẻ về một trường hợp những bị án trong một vụ án về ma túy có mong muốn được tử hình tại quê hương hoặc thụ án tại quê hương nhưng luật chưa có quy định điều chỉnh vấn đề này. Vì vậy, ông Tùng đề nghị khi xây dựng luật này, cũng cần phải lưu ý cả trường hợp ông vừa chia sẻ.

Nói về sự cần thiết phải xây dựng dự án Luật Chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù, đại diện VKSND TP.HCM cho rằng hiện nay người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam đã tăng, đồng thời người Việt Nam phạm tội ở nước ngoài cũng tăng so với trước đây. Trong khi đó, việc chuyển giao người chấp hành án phạt tù theo Luật Tương trợ tư pháp đã bộc lộ nhiều khó khăn hoặc vướng mắc khi thực hiện như không xác định được thẩm quyền giải quyết, hoặc việc áp dụng hình phạt không tương đồng giữa bản án, quyết định của tòa án ở nước ngoài và khi chuyển giao về Việt Nam để tiếp tục chấp hành án...

Cạnh đó, việc chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù theo Luật Tương trợ tư pháp được thực hiện căn cứ vào Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trường hợp Việt Nam không là thành viên của Điều ước quốc tế thì áp dụng nguyên tắc có đi có lại hoặc pháp luật trong nước. Do đó, một số quy định của Luật Tương trợ tư pháp không phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế, các hiệp định về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù mà Việt Nam đã ký kết nên có ảnh hưởng nhất định đến việc ký kết và thực hiện Điều ước quốc tế.

Góp ý trực tiếp cho dự thảo, đại diện VKSND TP.HCM cho rằng tại phần chung dự thảo lần 5 đã giải thích từ ngữ để xác định làm rõ hơn về đối tượng áp dụng, phạm vi điều chỉnh trong dự thảo luật. Đồng thời, dự thảo lần 5 quy định nhiều điểm mới, trong đó có một số điểm mới cơ bản so với Luật Tương trợ tư pháp như “chuyển đổi hình phạt”, “thẩm quyền giải quyết tiếp nhận về Việt Nam, khi không xác định được nơi thường trú cuối cùng tại Việt Nam”...

 Ông Huỳnh Văn Trực (đại diện TAND TP.HCM) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: YC

Ông Huỳnh Văn Trực (đại diện TAND TP.HCM) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: YC

Nhiều án phải tạm đình chỉ vì chờ kết quả ủy thác tư pháp

Ông Huỳnh Văn Trực (TAND TP.HCM) thì cho rằng thực tiễn TAND TP vướng mắc về tương trợ tư pháp dân sự như vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài thì tòa án sẽ phải ủy thác tư pháp và phải tạm đình chỉ nhưng sau đó “không có ngày quay lại” vì không có kết quả ủy thác tư pháp. Có vụ án gần 10 năm mà vẫn chưa có kết quả ủy thác tư pháp.

Vì vậy, luật mới nên quy định về trình tự, thủ tục, nghĩa vụ trách nhiệm của các cơ quan thực thi, phải quy định bao lâu có văn bản phản hồi. Ví dụ nếu không thực hiện được phải có văn bản phản hồi, trên cơ sở đó sẽ căn cứ các quy định của pháp luật Việt Nam để xét xử.

Cũng theo ông Trực, về việc xem xét áp dụng bản án nước ngoài về tội phạm hình sự áp dụng tại Việt Nam, đây là vấn đề rất mới, cần tóm gọn những trường hợp phổ biến sẽ được áp dụng tại Việt Nam và hướng dẫn quy trình cụ thể.

Đại diện VKSND quận Bình Thạnh, TP.HCM cũng cho rằng nhiều vụ án kinh doanh thương mại có yếu tố nước ngoài phải tạm đình chỉ vì chờ ủy thác tư pháp. Việc chưa có kết quả ủy thác tư pháp có nguyên nhân vì Việt Nam chưa ký các hiệp định hay thỏa thuận về tương trợ tư pháp với các nước. Dẫn đến việc tòa án áp dụng nguyên tắc có đi có lại nhưng nguyên tắc có đi có lại vẫn chưa rõ ai “có đi” trước (ai là người chủ động trước). Bộ Ngoại giao có nên chủ động yêu cầu nước có yêu cầu hỗ trợ “có đi” trước rồi sẽ “có lại” hay không, chứ không thể trả lời là “chưa có đi có lại” được.

YẾN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/doan-dai-bieu-quoc-hoi-tphcm-to-chuc-gop-y-xay-dung-4-du-an-luat-moi-post843370.html