Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam dự cuộc họp tư vấn Nhóm Nghị sĩ trẻ AIPA

Sáng 5.8, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tham dự cuộc họp trực tuyến tư vấn lần thứ nhất của Nhóm Nghị sĩ trẻ Hội đồng Liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA), với chủ đề 'Trao quyền cho thanh niên trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN an toàn, bền vững và hòa nhập'. Cuộc họp do Quốc hội CHDCND Lào và Ban Thư ký AIPA đồng chủ trì.

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam dự cuộc họp có Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại, Phó Chủ tịch Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ Thái Quỳnh Mai Dung; Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Phó Chủ tịch Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ Trịnh Xuân An.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại, Phó Chủ tịch Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ Thái Quỳnh Mai Dung phát biểu

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại, Phó Chủ tịch Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ Thái Quỳnh Mai Dung phát biểu

Tại cuộc họp, sau phần phát biểu khai mạc của Tổng Thư ký AIPA Ar. Siti Rozaimeriyanty Dato Haji Abdul Rahman, phát biểu chào mừng của Phó Chủ tịch Quốc hội CHDCND Lào Sounthone Xayachak, các đại biểu tiến hành họp Phiên toàn thể.

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Thái Quỳnh Mai Dung đã trình bày về những thành tựu và khuyến nghị của Việt Nam trong việc trao quyền cho thanh niên trong việc xây dựng một cộng đồng ASEAN an toàn, bền vững và hòa nhập.

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam dự cuộc họp tư vấn Nhóm Nghị sĩ trẻ AIPA

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam dự cuộc họp tư vấn Nhóm Nghị sĩ trẻ AIPA

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại cho biết, thanh niên chiếm khoảng 1/3 dân số ASEAN, với dân số cao nhất là hơn 220 triệu người dự kiến vào năm 2038, và đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng một Cộng đồng ASEAN hòa bình và thịnh vượng với tư cách là những nhà lãnh đạo trong tương lai. Trong những năm qua, Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể để tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên phát triển toàn diện và sự tham gia của thanh niên.

Nêu cụ thể về những nỗ lực của Việt Nam trong tạo điều kiện cho thanh niên phát triển toàn diện, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại nhấn mạnh, việc thông qua Luật Thanh niên (sửa đổi) là một trong những bước tiến lớn nhất của Việt Nam trong việc bảo đảm vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của thanh niên trong quá trình phát triển đất nước.

Toàn cảnh cuộc họp

Toàn cảnh cuộc họp

Tại Luật Thanh niên (sửa đổi) cũng đã quy định rõ về trách nhiệm của Chính phủ và các tổ chức khác trong việc bảo đảm phân bổ ngân sách nhà nước để thực hiện Luật; cung cấp cho thanh niên cơ hội đóng góp ý kiến, tham gia đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và khu vực…

Tại Chiến lược Phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ Việt Nam cũng đã đưa ra nhiều chính sách phát triển thanh niên toàn diện như: giáo dục, đào tạo nghề, việc làm, văn hóa, y tế và kỹ năng sống, để tạo nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Đồng thời, tại Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức cũng đã thông qua Tuyên bố, trong đó nhấn mạnh vai trò của thanh niên trong việc đẩy nhanh thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số; đồng thời thúc đẩy tôn trọng sự đa dạng văn hóa để hỗ trợ phát triển bền vững.

Báo cáo về hoạt động của Nhóm Nghị sĩ trẻ Việt Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại nêu rõ, trong thời gian qua, Nhóm Nghị sĩ trẻ Việt Nam đã có nhiều đóng góp vào việc thúc đẩy các nghị sĩ trẻ phát huy tài năng, trí tuệ, niềm đam mê và đóng góp nhiều hơn nữa cho các quyết sách quan trọng của Quốc hội Việt Nam. Nhóm đã cải thiện năng lực cho các nghị sĩ trẻ, tích cực tham gia vào các hoạt động đối ngoại để trao đổi thông tin và kinh nghiệm với các nghị sĩ trẻ của các quốc gia khác về các vấn đề chung của quốc gia, khu vực và toàn cầu.

Đồng thời, các nghị sĩ trẻ Việt Nam cũng tích cực tham gia vào các hoạt động ngoại giao của nghị viện, đóng góp những ý kiến thiết thực và có ý nghĩa cho các diễn đàn song phương và đa phương.

Tại AIPA-41 (diễn ra vào tháng 9.2020 tại Việt Nam), các nghị sĩ trẻ Việt Nam đã đề xuất sáng kiến nhóm nghị sĩ trẻ không chính thức lần đầu tiên trong khuôn khổ AIPA, khẳng định sự tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm của các nghị sĩ trẻ Việt Nam vào phát triển thanh niên trong khu vực. Các sáng kiến này đã nhận được sự đồng thuận mạnh mẽ và được coi là một yếu tố mới trong việc xây dựng cơ chế nhóm nghị sĩ trẻ AIPA tại AIPA-43 diễn ra tại Campuchia vào tháng 11.2022.

“Việc trao quyền cho thanh niên để phát huy hết tiềm năng và nhấn mạnh vị thế của thanh niên trong cộng đồng ASEAN với tầm nhìn sau năm 2025 là rất quan trọng, nhằm xây dựng cộng đồng ASEAN an toàn, bền vững và hòa nhập”.

Khẳng định vai trò của việc trao quyền cho thanh niên, thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại đã đưa ra một số khuyến nghị và cam kết cùng với các thành viên AIPA nhằm phát huy vai trò lập pháp và giám sát của các nghị sĩ trẻ.

Cụ thể, theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại, cần tăng cường hơn nữa sự hợp tác, cơ chế liên kết và mạng lưới của nhóm nghị sĩ trẻ AIPA; tăng cường hợp tác và trao đổi giữa các nghị sĩ trẻ để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau, tạo mạng lưới hợp tác và liên kết giữa các nghị sĩ trẻ; tăng cường trao đổi kinh nghiệm lập pháp, đặc biệt là trong xây dựng các đạo luật liên quan đến sự phát triển thanh niên, sự tham gia của thanh niên và các vấn đề như biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, an ninh mạng, chuyển đổi năng lượng...

Bên cạnh đó, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại cũng đề nghị các thành viên AIPA cần phân bổ nhiều nguồn lực hơn để nâng cao năng lực của các nghị sĩ trẻ. Bởi sức mạnh tập thể của thanh niên ASEAN đóng vai trò quan trọng để xác định tương lai của ASEAN, cũng như trong việc thực hiện thành công các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/doan-dai-bieu-quoc-hoi-viet-nam-du-cuoc-hop-tu-van-nhom-nghi-si-tre-aipa-i383357/