Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam dự phiên thảo luận dự thảo Nghị quyết về chính trị và an ninh của APPF-29
Sáng 11.11, tiếp tục các phiên họp trực tuyến chuẩn bị văn kiện Hội nghị thường niên Diễn đàn nghị viện châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 29 (APPF-29), Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự phiên thảo luận các dự thảo Nghị quyết về các vấn đề chính trị và an ninh.
Ảnh: Thanh Chi
Tham dự phiên họp tại điểm cầu Nhà Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam có: Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà; Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Bùi Hoài Sơn; Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Vũ Xuân Hùng.
Phiên thảo luận có sự tham gia của các nghị sĩ đại diện các nước thành viên APPF.
Tại phiên họp, các đại biểu tiếp tục góp ý kiến vào 4 dự thảo Nghị quyết về: “Tăng cường chủ nghĩa đa phương trong khu vực và giải quyết các vấn đề dựa trên luật lệ”; “Thúc đẩy hợp tác lấy con người làm trung tâm bằng cách bảo đảm an ninh con người”; “Hòa bình trên bán đảo Triều Tiên”; “Chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan ở châu Á - Thái Bình Dương”.
Góp ý vào dự thảo Nghị quyết “Thúc đẩy hợp tác lấy con người làm trung tâm bằng cách bảo đảm an ninh con người” do Hàn Quốc bảo trợ, Đoàn đại biểu Quốc hội cho rằng, các Nghị quyết do APPF ban hành về an ninh con người, trong đó có Nghị quyết số 16 được thông qua tại APPF-13 tổ chức tại Việt Nam năm 2005, nhấn mạnh sự cần thiết hợp tác song phương và đa phương giữa các nước thành viên APPF trong bảo đảm an ninh con người. Mặt khác, các nỗ lực phục hồi sau đại dịch Covid-19 cần bảo đảm các nguyên tắc tuân thủ pháp luật, dân chủ và bảo đảm các quyền cơ bản, chính đáng của con người; đồng thời, ghi nhận tác động không cân xứng của đại dịch đối với các nhóm dân số dễ bị tổn thương.
Đoàn đại biểu Quốc hội kiến nghị, dự thảo Nghị quyết cần bổ sung nội dung tái khẳng định rằng an ninh con người phải được thực thi với sự tôn trọng đầy đủ các mục tiêu và nguyên tắc được quy định trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, tôn trọng đầy đủ chủ quyền của các quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước; và an ninh con người không đòi hỏi các nghĩa vụ pháp lý bổ sung từ phía các quốc gia.
Ảnh: Thanh Chi
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết cần lưu ý đến vấn đề, để nhận ra các khía cạnh đa chiều của các mối đe dọa tiềm ẩn về an ninh mà con người phải đối mặt, bao gồm Covid-19, y tế, kinh tế, chính trị, môi trường và lương thực, các quốc gia và cộng đồng quốc tế cần mở rộng hiểu biết chung về khái niệm và cách tiếp cận đối với an ninh con người nhằm bảo vệ con người với tư cách cá nhân, bảo đảm sự sống còn, sinh kế và phẩm giá của công dân.
Góp ý vào dự thảo Nghị quyết “Tăng cường chủ nghĩa đa phương trong khu vực và giải quyết các vấn đề dựa trên luật lệ” do Hàn Quốc, Indonesia và Liên bang Nga đồng bảo trợ, Đoàn Việt Nam cơ bản đồng tình với dự thảo Nghị quyết và đề xuất bổ sung vào dự thảo Nghị quyết nội dung: tiếp tục nhắc lại Tuyên bố Hà Nội năm 2018, trong đó tái khẳng định cam kết của APPF trong việc thúc đẩy hợp tác, đi tiên phong trong việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực và trên toàn thế giới, ngăn ngừa xung đột và tìm kiếm giải pháp chấm dứt xung đột, thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Liên Hợp Quốc; luật pháp, chuẩn mực và tiêu chuẩn quốc tế.
Đoàn Việt Nam cũng đề nghị, dự thảo Nghị quyết kêu gọi các nghị viện thành viên APPF nỗ lực hướng tới giải quyết hòa bình các tranh chấp và xung đột giữa các quốc gia thông qua các biện pháp hòa bình, đối thoại dân chủ phù hợp với luật pháp quốc tế, các chuẩn mực và các thỏa thuận liên quan, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, hợp tác bao trùm và không ngừng tham gia vào chính sách ngoại giao nghị viện nhằm duy trì và bảo đảm hòa bình, an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đoàn Việt Nam cũng đóng góp tích cực, hoàn thiện hai dự thảo Nghị quyết về “Hòa bình trên bán đảo Triều Tiên” và “Chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan ở châu Á - Thái Bình Dương”.