Đoàn ĐBQH Hà Giang thảo luận tại nghị trường Quốc hội về Luật Thanh tra (sửa đổi)
BHG - Chiều 13.6, trong phiên thảo luận tại hội trường kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Đại biểu Tráng A Dương, Đoàn ĐBQH Hà Giang đã góp ý nhiều nội dung vào dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
Đại biểu Tráng A Dương tán thành với sự cần thiết xây dựng dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) nhằm khắc phục các hạn chế đã được Chính phủ chỉ ra, gây khó khăn, vướng mắc, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra. Đồng thời đề nghị, giữ nguyên hệ thống cơ quan thanh tra 3 cấp cấp (Chính phủ, tỉnh, huyện) như hiện nay, không nên bỏ cơ quan thanh tra cấp huyện. Bởi lẽ “ở đâu có Nhà nước, ở đó có thanh tra”, cơ quan thanh tra cấp huyện là cơ quan thay mặt Nhà nước để thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, quản lý, sử dụng ngân sách; thực hiện việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở huyện, xã…
Về trình tự, thủ tục thanh tra, đại biểu đề nghị cần phân định rõ ràng, không quy định chung một quy trình, thủ tục như nhau cho cả thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, chủ thể thanh tra, yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ đối với chủ thể có thẩm quyền tiến hành hoạt động thanh tra. Đại biểu Tráng A Đương cũng góp ý cụ thể vào một số điều khoản trong dự thảo luật, như: Tại Điều 4, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung cụm từ “trung thực” sau cụm từ “khách quan”; tại Điều 7, cơ quan soạn thảo nghiên cứu lại quy định về “quyền và nghĩa vụ” của đối tượng thanh tra tại Khoản 1, đề nghị xem xét bỏ nội dung tại Khoản 1 để tránh trùng lắp với Điều 95, 96 dự thảo luật.
Tại Khoản 2, Điều 85 quy định: “Một cuộc thanh tra có thể ban hành nhiều kết luận nhằm phục vụ kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước”, “Người ra quyết định thanh tra có thể ban hành kết luận bổ sung, sửa đổi, thay thế một phần hoặc toàn bộ kết luận thanh tra khi có căn cứ cho thấy kết luận thanh tra không bảo đảm đầy đủ, chính xác, khách quan, làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Theo đại biểu, đây là một nội dung rất mới, dự thảo luật cần quy định cụ thể hơn nội dung này, hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết quy trình ban hành kết luận bổ sung thay thế để dễ áp dụng trong thực tiễn. Đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, đảm bảo chính sách dân tộc trong tuyển dụng, quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, sử dụng đội ngũ cán bộ thanh tra từ cấp cơ sở trong 4 tiêu chuẩn quy định tại Điểm a, Điều 38.