Đoàn ĐBQH Lâm Đồng góp ý Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án và Luật Giám định tư pháp
Sáng 17/3, để chuẩn bị cho kỳ họp thứ IX, Quốc hội khóa XIV sắp tới, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội thảo góp ý Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án và Luật Giám định tư pháp. Hội thảo dưới sự chủ trì của Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo, cùng sự tham dự của ĐBQH K'Nhiễu - Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, các chuyên gia Tổ tư vấn chính sách - pháp luật, đại diện các cơ quan liên quan Công an tỉnh, Tòa án Nhân dân, Viện kiểm sát Nhân dân. Hội thảo nhằm thu thập các ý kiến góp ý, góp phần hoàn thiện Luật, phù hợp với Hiến pháp 2013 và các quy định của pháp luật. Đồng thời, nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác giám định tư pháp thời gian qua, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến tán thành với phạm vi hòa giải, đối thoại của dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị cân nhắc áp dụng đối với cả những trường hợp tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án, nhưng đương sự không lựa chọn khởi kiện mà lựa chọn cơ chế hòa giải, đối thoại tại tòa án. Theo quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hòa giải, đối thoại mang tính xã hội, tính nhân văn sâu sắc, tác động tích cực đến sự ổn định xã hội. Do đó, tinh thần chung là hòa giải, đối thoại thành được càng nhiều vụ việc thì càng tốt.
Có ý kiến đề nghị không nên quy định thời hạn giám định, đề nghị giữ nguyên điều 12, tổ chức giám định tư pháp công lập như Luật hiện hành mà không bổ sung điểm d khoản 4 Điều 12 về “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao” vì hiện nay đang thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy các cơ quan Nhà nước, nếu có thêm phòng này thì sẽ phát sinh thêm tổ chức và biên chế thì không phù hợp với chủ trương chung; thống nhất với việc thay thế cụm từ “cơ quan tiến hành tố tụng” bằng cụm từ “cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng”, thay thế cụm từ “người tiến hành tố tụng” bằng cụm từ “người có thẩm quyền tiến hành tố tụng” trong Luật Giám định tư pháp năm 2012 để quy định rõ ràng và cụ thể hơn các cơ quan và người có thẩm quyền chứ không phải là tất cả các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng…
Góp cho cho dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, điều 7 khoản 1 điểm g, có đại biểu cho rằng về trách nhiệm của Tòa án Nhân dân tối cao, đề nghị bổ sung như sau để quy định được đầy đủ: “g) Báo cáo Quốc hội về hoạt động hòa giải, đối thoại tại tòa án trong báo cáo công tác hằng năm hoặc khi có yêu cầu”. Tại điều 8, khoản 1 điểm đ: Đề nghị bổ sung “…Đề nghị Hòa giải viên bố trí phiên dịch trong trường hợp người tham gia hòa giải, đối thoại là người không biết tiếng Việt, người khuyết tật nghe, người khuyết tật nói hoặc người khuyết tật nhìn và chịu chi phí phiên dịch”. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm thành phần trong hồ sơ đề nghị bổ nhiệm: “Phiếu lý lịch tư pháp” vì theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp thì đây là loại giấy tờ có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích... Có ý kiến đề nghị bổ sung trong phần quy định chung về các hành vi bị nghiêm cấm: Quy định liên quan đến những việc không được làm của tòa án, thẩm phán, hòa giải viên, các bên tham gia hòa giải, đối thoại; những người có liên quan đến hoạt động hòa giải, đối thoại… tập hợp các các điều cấm thành một điều để dễ theo dõi, thực hiện thay vì quy định rải rác trong một số điều của dự thảo Luật này…
Các ý kiến góp ý sẽ được Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tiếp thu, tổng hợp và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp tại kỳ họp thứ 9 sắp tới.