Đoàn ĐBQH Thanh Hóa góp ý vào chủ trương đầu tư một số dự án về giao thông
Tiếp tục Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng 6-6 Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa thảo luận tại tổ tham gia ý kiến vào chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và dự án đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh. Buổi chiều Quốc hội thảo luận tại hội trường về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo. Tại hai phiên thảo luận, ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã tham gia ý kiến.
Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tham gia thảo luận tại tổ.
Tham gia ý kiến vào vào chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa thống nhất cao sự cần thiết đầu tư của 2 dự án. Đồng thời cho rằng cả 2 dự án đầu tư đều phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030) và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025).
Khi 2 dự án này được đầu tư sẽ có tác dụng rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; trong đó sẽ tăng cường sự kết nối giữa các tỉnh trong vùng, đồng thời cũng giảm áp lực về giao thông cho đô thị và mở rộng không gian phát triển cho các địa phương.
ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh tham gia góp ý kiến vào chủ trương đầu tư dự án.
Góp ý cụ thể vào chủ trương đầu tư dự án, các ĐBQH đề nghị nên xem xét kêu gọi các nhà đầu tư của dự án đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh theo hình thức PPP, từ đó nó sẽ giảm được áp lực về ngân sách.
Đây là 2 dự án phải thu hồi diện tích đất khá lớn, chính vì vậy sẽ rất khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, bồi thường hỗ trợ tái định cư liên quan đến đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, nhất là diện tích đất ở. Chính vì vậy, đề nghị Chính phủ cần có giải pháp chỉ đạo giao trách nhiệm có các địa phương thực hiện quyết liệt trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư đối với việc thu hồi đất phục vụ 2 dự án.
ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh tham gia góp ý kiến trong phiên thảo luận tại hội trường.
Tham gia góp ý về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo, ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ. Đồng thời nêu rõ, đây là tuyến đường rất có ý nghĩa cả về chính trị, kinh tế và quốc phòng - an ninh. Sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết 38/2004/QH11 về chủ trương xây dựng đường Hồ Chí Minh và sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 66/2013/QH13, tuyến đường đã được đầu tư 2.363km/2.744km, đạt 86,1% và khoảng 258 km tuyến nhánh; đang triển khai 211 km; còn lại khoảng 171 km chưa bố trí được vốn để triển khai thực hiện.
Công trình đường Hồ Chí Minh đã từng bước phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của cả nước; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - và an ninh, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nhất là ở các khu vực, địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa có tuyến đường đi qua. Đường Hồ Chí Minh đã mang lại hiệu quả trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự liên kết các tỉnh, liên kết các vùng kinh tế giúp khai thác các vùng tiềm năng phía tây của đất nước, giảm chi phí vận tải.
Mục tiêu của Nghị quyết 66/2013/QH13 đã điều chỉnh mục tiêu của Nghị quyết 38/2004/QH11 chậm 10 năm (từ năm 2010 thông tuyến sang mục tiêu 2020 thông tuyến toàn tuyến), nhưng đến nay đường Hồ Chí Minh vẫn chưa thông toàn tuyến.
ĐBQH Mai Văn Hải cho rằng, nguyên nhân của việc chậm trễ kéo dài nêu trên là do trong quá trình triển khai dự án thời gian kéo dài, quy mô lớn và gặp không ít khó khăn, nhất là việc ảnh hưởng do cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, Chính phủ phải ban hành Nghị quyết số 11 về cắt giảm đầu tư công; việc phân kỳ đầu tư và vốn đầu tư chưa sát với tình hình thực tế đất nước dẫn đến tính khả thi thấp nên phải điều chỉnh; một số dự án phải dừng, giãn đã làm kéo dài thời gian hoàn thành; việc quyết toán một số dự án thành phần cũng còn chậm. Trong công tác thực hiện giải phóng mặt bằng, một số địa phương thực hiện chậm, thậm chí có đoạn không giải phóng mặt bằng được làm ảnh hưởng đến tiến độ.
ĐBQH Mai Văn Hải đề nghị Quốc hội, Chính phủ quyết tâm một lần nữa để thông toàn tuyến trong giai đoạn 2021-2025, không để tuyến đường mang tên Bác kéo dài nhiều năm sang giai đoạn 2026-2030. Có như thế tuyến đường mang tên Bác mới thực sự phát huy hiệu quả, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội của các vùng, các địa phương có tuyến đường đi qua và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chính phủ cần chỉ đạo hoàn thành quyết toán các dự án thành phần còn lại, đồng thời chỉ đạo làm rõ hơn về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư các dự án thành phần, nhất là kế quả xử lý thu hồi tiền vi phạm qua thanh tra, kiểm toán các dự án thành phần đã hoàn thành nếu có.
Đề nghị Chính phủ tiếp tục xem xét, rà soát sửa đổi các quy định về đầu tư PPP, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia đầu tư theo hình thức đầu tư PPP để giảm áp lực về vốn cho ngân sách Nhà nước.