ĐOÀN ĐBQH TỈNH BẾN TRE: NHẤT TRÍ VỚI SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG LUẬT CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG

Trong phiên thảo luận trực tuyến sáng 26/10 của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre đã có những đóng góp tích cực về dự án Luật Cảnh sát cơ động.

Đại biểu Võ Văn Hội, Chỉ huy Trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre phát biểu thảo luận

Đại biểu Võ Văn Hội, Chỉ huy Trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre phát biểu thảo luận

Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cơ bản nhất trí với quan điểm, chủ trương, sự cần thiết xây dựng Luật cảnh sát cơ động, nhằm cụ thể hóa quy định có liên quan của Hiến pháp, tiếp tục thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tổ chức và hoạt động của lực lượng Cảnh sát cơ động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia.

Đại biểu Võ Văn Hội, Chỉ huy Trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bến Tre góp ý, về vị trí, chức năng của Cảnh sát cơ động (Điều 13) quy định: "Cảnh sát cơ động là lực lượng vũ trang nhân dân, thuộc Công an nhân dân Việt Nam, là lực lượng nòng cốt, chuyên trách thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội". Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc không sử dụng cụm từ "lực lượng vũ trang nhân dân" để phù hợp với Điều 23 Luật Quốc phòng năm 2018, Pháp lệnh về lực lượng cảnh sát cơ động năm 2013. Chỉ quy định "Cảnh sát cơ động thuộc công an nhân dân" là đủ.

Về hệ thống tổ chức của cảnh sát cơ động (Điều 13), ĐBQH tỉnh Bến Tre đề nghị quy định theo Phương án 1: chỉ quy định mang tính nguyên tắc hệ thống tổ chức của cảnh sát cơ động gồm Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và cảnh sát cơ động thuộc công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, để đảm bảo thống nhất với quy định của Luật Công an nhân dân. Nếu chọn phương án 2 về cơ cấu lực lượng cảnh sát cơ động, nên nghiên cứu lại điểm d: Lực lượng sử dụng tàu bay, tàu thủy, đề nghị điều chỉnh thành "lực lượng đảm bảo" cho phù hợp.

Ở Điều 21 quy định về trang bị của cảnh sát cơ động, tại Khoản 2: “Cảnh sát cơ động được trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tàu bay, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao". Đại biểu thống nhất với ý kiến của ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đề nghị xem xét cụm từ "tàu bay" vì nó mang nghĩa rất rộng, tàu bay có nhiều chủng loại và căn cứ trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động nếu trang bị tàu bay phải có giới hạn về kiểu loại. Vì vậy, đại biểu đề nghị trang bị loại tàu bay là "máy bay trực thăng" sẽ phù hợp hơn. Nếu trang bị các loại tàu bay khác chi phí rất lớn, kèm theo đó là công tác đào tạo nguồn nhân lực (phi công, nhân viên kỹ thuật), công tác bảo dưỡng, bảo trì đặc biệt là yêu cầu nghiêm ngặt về kỹ thuật hàng không.

Về tuyển chọn công dân vào Cảnh sát cơ động (Điều 24) Khoản 1 quy định: "Công dân Việt Nam không phân biệt nam, nữ, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có sức khỏe, độ tuổi phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và tự nguyện phục vụ trong Cảnh sát cơ động". Đại biểu đề nghị thay cụm từ "Độ tuổi phù hợp" thành cụm từ "đủ 18 tuổi trở lên" cho phù hợp./.

Hoàng Nhân

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=59999