ĐOÀN ĐBQH TỈNH CAO BẰNG: PHÁT HUY QUYỀN LÀM CHỦ CỦA NHÂN DÂN TRONG XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XHCN CỦA DÂN, DO DÂN VÀ VÌ DÂN
Cùng với truyền thống 75 năm chặng đường vẻ vang của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Cao Bằng qua các thời kỳ luôn làm tốt vai trò đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân các dân tộc địa phương, phát huy quyền làm chủ trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa 'của dân, do dân và vì dân', vì mục tiêu 'Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh'.
Ngày 03/9/1945, một ngày sau khi Nhà nước cách mạng ra đời, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ “tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân, trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống…”.
Ngày 08/9/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra Sắc lệnh số 14-SL quy định sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội. Tiếp đó, ngày 26/9/1945, Chính phủ lâm thời ban hành Sắc lệnh số 39-SL về thành lập Ủy ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử; Sắc lệnh số 51-SL ngày 17/10/1945 quy định “Thể lệ cuộc Tổng tuyển cử phải thực hiện theo lối phổ thông đầu phiếu, bầu cử trực tiếp và bỏ phiếu kín”. Ngày 02/12/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời ban hành tiếp Sắc lệnh số 71-SL và Sắc lệnh số 72-SL để bổ khuyết Sắc lệnh số 51-SL về thủ tục ứng cử và bổ sung số đại biểu bầu cho một số tỉnh. Nguyên tắc bầu cử phổ thông đầu phiếu.
Ngày 06/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi bỏ phiếu thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân tại thùng phiếu số 10, phố Hàng Vôi (nay là phố Lý Thái Tổ), Hà Nội. Trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên này, Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu với 98,4% số phiếu. Kết quả này là một bằng chứng về khát vọng độc lập, tự chủ của dân tộc ta và uy tín tuyệt đối của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong toàn thể nhân dân Việt Nam.
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 06/01/1946 đã đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ của nước ta. Người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ, lầm than đã tự vươn mình trở thành chủ nhân của một nước tự do, độc lập, khẳng định với thế giới rằng: Nhân dân Việt Nam quyết tâm bảo vệ nền độc lập chủ quyền và thực sự có đủ khả năng để tự quyết định vận mệnh lịch sử của mình, tự lựa chọn và xây dựng chế độ mới.
Cùng với truyền thống 75 năm xây dựng và phát triển của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh làm tốt vai trò của mình trong việc tham gia các hoạt động của Quốc hội, xứng đáng là đại biểu đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân các dân tộc địa phương.
Căn cứ vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm, Đoàn ĐBQH tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức lấy ý kiến các cơ quan chức năng, các chuyên gia và giao các đại biểu nghiên cứu, tham gia ý kiến xây dựng các dự án luật. Trên cơ sở khảo sát thực tế và tổng hợp ý kiến tham gia của các vị ĐBQH, các cơ quan liên quan, các cộng tác viên, Đoàn tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với các dự án luật, trong đó chú trọng các luật có phạm vi ảnh hưởng rộng, còn nhiều ý kiến khác nhau, được cử tri và các tầng lớp nhân dân quan tâm. Các hội nghị được tổ chức tốt và đạt được kết quả, thu thập được số lượng ý kiến phong phú, có chất lượng.
Hằng năm, Đoàn phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức để ĐBQH tiếp xúc với cử tri trước và sau các kỳ họp tại tất cả huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Chương trình tiếp xúc cử tri của Đoàn ngày càng được mở rộng, tiếp xúc với nhiều thành phần. Hình thức tiếp xúc cử tri cũng thay đổi, không tập trung ở trung tâm huyện, xã mà tổ chức tiếp xúc cử tri tại các địa bàn khó khăn, vùng sâu để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân.
Đoàn ĐBQH tỉnh xác định công tác giám sát là một trong những nội dung quan trọng để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Việc xây dựng chương trình giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh bám sát vào Nghị quyết về chương trình giám sát hằng năm của Quốc hội, tình hình thực tiễn của tỉnh và những vấn đề bức xúc của đời sống kinh tế - xã hội.
Cùng với hoạt động giám sát, hoạt động khảo sát được Đoàn ĐBQH tỉnh chú trọng và tăng cường theo hướng toàn diện, nhất là khảo sát tình hình phát triển kinh tế - xã hội, tình hình thực hiện chính sách, pháp luật. Giúp cho ĐBQH tiếp cận, nắm sâu sát thực tế, tìm hiểu những vấn đề khó khăn, bất cập, những đòi hỏi cấp thiết của cuộc sống để có thông tin phục vụ cho việc thảo luận kinh tế - xã hội, công tác xây dựng pháp luật và các nội dung khác của đại biểu tại các kỳ họp Quốc hội.
Thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, Đoàn ĐBQH tỉnh phân công ĐBQH thực hiện tiếp công dân định kỳ hằng tháng tại Trụ sở tiếp công dân của tỉnh. Mặt khác, thường xuyên liên hệ với Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh để nắm thêm thông tin về tình hình khiếu kiện và công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo của công dân trong toàn tỉnh.
Tại các kỳ họp, các đại biểu trong Đoàn tham gia nhiều ý kiến về phát triển kinh tế - xã hội, nêu ra những đặc điểm tình hình, yêu cầu thực tế của cuộc sống, đề ra các chỉ tiêu, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững, đối phó kịp thời với những khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế toàn cầu, kiềm chế lạm phát, phòng chống dịch bệnh, biến đổi khí hậu và tham gia quyết định đầu tư xây dựng các công trình quan trọng quốc gia. Để tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, Đoàn ĐBQH tỉnh, các ĐBQH trong Đoàn tích cực hoạt động, thực hiện tốt vai trò của người đại biểu dân cử trên nhiều mặt hoạt động: Xây dựng pháp luật, giám sát, dân nguyện, đối ngoại..., lắng nghe, thu thập, tổng hợp nhiều kênh thông tin từ vị trí công tác cũng như vai trò của ĐBQH để có cách đánh giá sâu sát, thực tế về những vấn đề, là cơ sở để Đoàn ĐBQH tổng hợp, báo cáo và là căn cứ để ĐBQH trong Đoàn tham gia phát biểu ý kiến và biểu quyết thông qua những vấn đề quan trọng tại mỗi kỳ họp.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của ĐBQH và phát huy vai trò đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, thời gian tới, Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục đổi mới công tác chất vấn và trả lời chất vấn, cải tiến phương thức chất vấn, tăng thời gian chất vấn để ĐBQH đặt được nhiều câu hỏi chất vấn đồng thời nâng cao chất lượng trả lời của người trả lời chất vấn. Cụ thể hóa việc tăng số lượng ĐBQH chuyên trách theo quy định của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, theo hướng tăng ĐBQH chuyên trách tại tỉnh. Tăng cường đảm bảo các điều kiện hoạt động của đại biểu theo tinh thần Nghị quyết về đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Phối hợp chặt chẽ giữa Đoàn ĐBQH tỉnh, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể và các huyện, thành phố trong tỉnh./.
Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=51082