Đoàn ĐBQH tỉnh cho ý kiến vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Chiều 18-6, sau khi họp phiên toàn thể ở hội trường, Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang cùng ĐBQH các tỉnh Sơn La, Tây Ninh, thành phố Đà Nẵng thực hiện thảo luận tổ, tham gia ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Tổ trưởng, chủ trì điều hành phiên thảo luận.

Đồng chí Chẩu Văn Lâm, chủ trì điều hành thảo luận.

Đồng chí Chẩu Văn Lâm, chủ trì điều hành thảo luận.

Tham gia ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, đại biểu Ma Thị Thúy bày tỏ thống nhất với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Qua đó, nhằm giải quyết những vướng mắc, tồn tại ảnh hưởng đến việc tiếp cận thuốc của người dân, tăng cường quản lý nhà nước về lĩnh vực dược, nhất là giá thuốc.

Đại biểu nhấn mạnh, qua nghiên cứu dự thảo luật cho thấy viêc quy định về phát triển vùng nguyên liệu thảo dược còn hạn chế, chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong khi khu vực này có nhiều lợi thế, cũng nhưcó những bài thuốc cổ truyền. Chính phủ, các bộ ngành cũng đã có nhiều cơ chế để đẩy mạnh, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực sơ chế, chế biến, bảo quản dược liệu. Đặc biệt trong Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoan 2021 - 2030 cũng đã đề cập đến lĩnh vực này.

Đại biểu Ma Thị Thúy tham gia phát biểu ý kiến thảo luận.

Đại biểu Ma Thị Thúy tham gia phát biểu ý kiến thảo luận.

Tuy nhiên, theo đại biểu hiện nay các sản phẩm chủ yếu vẫn mang tính tự cung, tự cấp tại địa phương; cách làm còn manh mún, tự phát. Cùng với đó, còn những quy định chưa phù hợp với việc sản xuất dược liệu dưới tán rừng; việc đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nuôi trồng, chế biến, sản xuất đáp ứng nguyên tắc tiêu chuẩn chung và quốc tế còn hạn chế.

Từ những phân tích của mình, đại biểu đề nghị ban soạn thảo đánh giá tác động rõ hơn về vấn đề này để thấy rõ các chính sách được thực thi ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Từ đó đưa nội dung vào dự án luật để phù hợp với sự phát triển phát triển dược liệu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ngoài ra, nội dung dự án 3 trong Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang triển khai chưa hiệu quả do còn vướng mắc liên quan đến các quy định về định mức kinh tế, kỹ thuât...Cùng với đó, chưa có cơ sở ban hành đối với cây dược liệu do chưa được nghiên cứu, khảo nghiệm hay sản xuất thử; chưa có văn bản pháp lý, quy trình, quy pham quy định chi tiết về phát triển, sử dụng dược liệu, lâm sản dưới tán rừng tự nhiên. Vì vậy, chưa có cơ sở để tổ chức thực hiện và giám sát việc thực hiện của tổ chức, cá nhân trồng cây dược liệu dưới tán rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Đại biểu đề xuất sửa luật Dược lần này Ban soạn thảo cần bổ sung, luật hóa những nội dung trên để làm cơ sở triển khai thực hiện.

Các đại biểu tại phiên thảo luận tổ.

Các đại biểu tại phiên thảo luận tổ.

Đại biểu Ma Thị Thúy cũng đề nghị Ban soạn thảo bám sát các quy định của Chính phủ về chiến lược quốc gia phát triển ngành dược liệu Việt Nam đến năm 2030 để bổ sung đầy đủ những chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp, tổ chức hệ thống cung ứng thuốc phù hợp, đảm bảo người dân tiếp cận đầy đủ nhất là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đại biểu cũng đề cập đến các nội dung liên quan đến quản lý nhà nước về kinh doanh thuốc; vấn đề quảng cáo thuốc và quy định quản lý ô xy y tế...

Đại biểu Lò Thị Việt Hà cũng bày tỏ đồng tình với nội dung đại biểu Ma Thị Thúy nêu, đồng thời đề xuất luật sửa đổi cần khắc phục những bất cập liên quan đến nhân lực quản lý dược. Cùng với đó đề xuất nhiều nội dung liên quan đến phát triển công nghiệp dược. Đại biểu Lò Thị Việt Hà cũng góp ý vào một số nội dung của Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Đại biểu Lò Thị Việt Hà phát biểu thảo luận.

Đại biểu Lò Thị Việt Hà phát biểu thảo luận.

Tham gia thảo luận dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đại biểu Nguyễn Việt Hà cho rằng cần tiếp tục rà soát và hoàn thiện, để các ưu đãi thực sự có tính đột phá và đảm bảo tính phù hợp với các văn bản pháp luật khác có liên quan. Đại biểu cũng đề nghị làm rõ các dự án về đầu tư nghiên cứu, phát triển, sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc và dược liệu quy định tại Luật Đầu tư năm 2020.

Đại biểu Nguyễn Việt Hà phát biểu thảo luận.

Đại biểu Nguyễn Việt Hà phát biểu thảo luận.

Về phương thức kinh doanh thuốc qua nền tảng thương mại điện tử, đại biểu cho rằng cần có quy định về điều kiện đối với sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh dược; làm rõ về thủ tục tiến hành, cách thức tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc, đặc biệt là trách nhiệm của người phụ trách chuyên môn đối với việc bán thuốc trực tuyến (online).

Về quy định chuỗi nhà thuốc, đại biểu cho rằng Dự thảo Luật cần đưa nội dung kinh doanh chuỗi nhà thuốc phù hợp với thực tiễn hiện nay. Đồng thời xem lại quy định về người phụ trách chuyên môn của chuỗi nhà thuốc có cần phải có chứng chỉ hành nghề dược. Cùng với đó, có những quy định về quy hoạch đối với hệ thống cơ sở bán lẻ, bán buôn thuốc để đảm bảo người dân được tiếp cận đầy đủ nguồn cung về thuốc, nhất là ở vùng sâu xa.

Ngọc Hưng

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/doan-dbqh-tinh-cho-y-kien-vao-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-duoc-va-du-an-luat-di-san-van-hoa-sua-doi-193750.html