ĐOÀN ĐBQH TỈNH GIA LAI ĐÓNG GÓP Ý KIẾN VÀO 02 DỰ ÁN LUẬT

Tham dự Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, các ĐBQH tỉnh Gia Lai đã thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật tố tụng hình sự; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê và có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng vào 2 dự án luật này.

Các ĐBQH tỉnh Gia Lai tham gia thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật tố tụng hình sự; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê

Các ĐBQH tỉnh Gia Lai tham gia thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật tố tụng hình sự; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê

Tham gia phiên thảo luận tại tổ có 3 đại biểu Quốc hội gồm: ông Châu Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai; Đại tá Đinh Văn Thê, Phó Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai; bà Rơ Châm H’Phik, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai.

Đại biểu Đinh Văn Thê, Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai góp ý cho dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng hình sự

Đại biểu Đinh Văn Thê, Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai góp ý cho dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng hình sự

Một số nội dung của Bộ luật tố tụng hình sự cần sửa đổi bổ sung cho phù hợp tình hình thực tiễn

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật tố tụng hình sự (BLTTHS), đại biểu Đinh Văn Thê, Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai đề xuất:

1. Về bổ sung khoản 2, Điều 160 theo hướng bổ sung trách nhiệm trực tiếp kiểm tra, xác minh sơ bộ tin báo tố giác về tội phạm tại công an xã, phường, trị trấn, đồn công an. Vì theo quy định tại Điều 44, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, và khoản 3, điều 146, BLTTHS thì công an xã, phường, thị trấn, đồn công an có trách nhiệm tiếp nhận, lập biên bản, lấy lời khai ban đầu và sau đó chuyển tố giác tin báo về tội phạm cho cơ quan có thẩm quyền. Hiện nay qua kiểm tra sổ sách cơ quan điều tra cấp huyện, thì phần lớn nguồn tin tội phạm là do công an cấp xã chuyển đến. Vì vậy, để đảm bảo việc tiếp nhận, thụ lý và giải quyết nguồn tin được đúng quy định của pháp luật và chức năng kiểm sát hoạt động giải quyết nguồn tin tội phạm của viện kiểm sát được đảm bảo thông suốt, mọi hoạt động tố tụng phải được thực hiện theo đúng quy định của BLTTHS thì công an trực tiếp tiếp nhận và xác minh nguồn tin ban đầu về tội phạm từ công an xã, phường, thị trấn, đồn công an là hết sức cần thiết.

2. Tại khoản 5, Điều 1 của dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của BLTTHS đã bổ sung điểm d vào sau điểm c khoản 1, Điều 229 về căn cứ tạm đình chỉ điều tra. Do đó, cũng cần bổ sung khoản điểm a, khoản 1, Điều 281, BLTTHS theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ vụ án trong giai đoạn xét xử “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”. Cụ thể, bổ sung điểm a, khoản 1, Điều 281 theo hướng “có căn cứ quy định tại điểm b, điểm c và điểm d, khoản 1, Điều 229 của Bộ luật này”.

3. Về quy định về công an xã, phường, thị trấn, đồn công an chuyển tố giác, tin báo về tội phạm cho cơ quan điều tra có thẩm quyền. Mặc dù thời hạn này đã được quy định trong Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 2/12/2017 của liên ngành trung ương, tuy nhiên trong BLTTHS cần phải được quy định rõ. Do đó, đề xuất bổ sung vào khoản 1, điều 1, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS như sau: “Công an xã, phường, thị trấn, đồn công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi tiếp nhận; đối với các xã ở vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo, điều kiện đi lại khó khăn thì thời hạn chuyển tố giác, tin báo về tội phạm không quá 48 giờ kể từ khi tiếp nhận”.

Đại biểu Rơ Châm H’Phik nêu ý kiến: BLTTHS năm 2015 chưa quy định về xác định tuổi của người làm chứng là người dưới 18 tuổi. Người làm chứng là người tham gia tố tụng được quy định tại khoản 12, Điều 55 BLTTHS năm 2015. Khi tiến hành tố tụng có người làm chứng là người dưới 18 tuổi bắt buộc cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải tuân thủ các quy định về thủ tục đặc biệt của BLTTHS năm 2015. Nhưng trong thực tiễn không phải mọi trường hợp đều có thể xác định một cách rõ ràng, chính xác tuổi của người làm chứng dưới 18 tuổi. Như giấy khai sinh chỉ ghi năm sinh hoặc họ, không có giấy khai sinh, bị thất lạc giấy khai sinh và giấy tờ tùy thân khác,… Do đó, cơ quan tiến hành tố tụng không thể xác định được người làm chứng là người dưới 18 tuổi. BLTTHS năm 2015 chỉ quy định về xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi tại Điều 417 mà không có quy định về xác định tuổi của người làm chứng là người dưới 18 tuổi. Cần xem xét, bổ sung quy định này. Bên cạnh đó, tại Điều 83 BLTTHS quy định người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố và tại Điều 84 quy định Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự. Cả hai điều này chỉ quy định quyền và nghĩa vụ của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, nhưng lại không quy định thủ tục đăng ký hoặc cấp giấy chứng nhận người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Do đó, đề nghị bổ sung thêm khoản 5 vào các Điều 83, 84. Cụ thể, khoản 5, Điều 83 bổ sung: “Thủ tục đăng ký Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố được thực hiện theo quy định tại Điều 78 Bộ luật này” và khoản 5, Điều 84 “Thủ tục đăng ký Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự được thực hiện theo quy định tại Điều 78 Bộ luật này”. Tại điểm b, khoản 1 Điều 127 BLTTHS quy định: "Người bị hại trong trường hợp họ từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan" thì có thể bị dẫn giải đi giám định. Thực tế việc dẫn giải bị hại đi giám định rất khó khăn, không có quy định chế tài bắt buộc đối với người bị hại trong việc từ chối đi giám định. Đồng thời, cũng chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể về việc giám định trên hồ sơ bệnh án và tài liệu liên quan đối với các trường hợp người bị hại bị gây thương tích. Trường hợp tạm giam trong khi có quyết định tạm đình chỉ điều tra tại điểm c, khoản 1 Điều 229 BLTTHS thì cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ: “Khi trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp chưa có kết quả nhưng đã hết thời hạn điều tra. Trong trường hợp này, việc giám định, định giá tài sản, tương trợ tư pháp vẫn tiếp tục được tiến hành cho đến khi có kết quả”. Trên thực tế vẫn tồn tại trường hợp đã hết thời hạn điều tra mà chưa có kết quả giám định, định giá. Mặt khác, tại Điều 173 BLTTHS chỉ quy định về thời hạn tạm giam để điều tra nhưng không quy định thời hạn tạm giam khi có quyết định tạm đình chỉ theo điểm c khoản 1 Điều 229 BLTTHS. Do đó, Cần bổ sung khoản 8 Điều 173 như sau: “8. Thời hạn tạm giam, gia hạn tạm giam trong trường hợp vụ án đang tạm đình chỉ điều tra được thực hiện theo quy định từ khoản 1 đến khoản 7 Điều này. Nếu quá các thời hạn trên mà chưa có căn cứ phục hồi điều ra thì phải trả tự do cho bị can; trường hợp cần thiết, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.” Trường hợp quy định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế tại khoản 2 Điều 278 thì “Thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều 277”. Quy định này chưa phù hợp với thực tiễn, bởi lẽ Điều 277 có 3 khoản: Khoản 1 quy định thời hạn từ ngày thụ lý đến ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử; khoản 3 quy định thời hạn từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử đến ngày mở phiên tòa. Như vậy, theo quy định tại khoản 2 Điều 278 thì thời gian từ khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử đến ngày mở phiên tòa không được áp dụng biện pháp tạm giam. Do vậy, đề nghị sửa đổi bổ sung khoản 2 Điều 278 như sau: “Thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại Điều 277 của Bộ luật này.”

Cần thiết sớm sửa đổi, bổ sung Luật Thống kê năm 2015

Đại biểu Châu Ngọc Tuấn, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai cho rằng, việc thi hành Luật Thống kê năm 2015 cho thấy rõ vai trò quan trọng, tích cực của công tác thống kê và số liệu thóng kê góp phần giúp Đảng, Nhà nước xây dựng, thực hiện, kiểm tra, đánh giá hiệu quả thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết nhiều vấn đề mới đặt ra trong đời sống kinh tế - xã hội đất nước, trong đó đặc biệt là trog công tác hoạch định chính sách trung hạn và dài hạn, xây dựng các chiến lược phát triển.

Tuy nhiên, vẫn còn có bất cập, hạn chế như: Chất lượng, độ tin cậy, chính xác của thông tin thống kê, nhất là khi có sự khác biệt, không thống nhất trong số liệu cùng một chỉ tiêu thống kê, việc điều chỉnh cách tính, đánh giá lại một số chỉ tiêu thống kê (GDP, chênh lệch GDP trung ương và địa phương…) gây ra nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều bộ, ngành chưa thu thập, tổng hợp đầy đủ thông tin các chỉ tiêu thống kê quốc gia được phân công; Công tác phân tích và dự báo thống kê còn hạn chế, chưa tiến hành thường xuyên. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thống kê thiếu đồng bộ; các cơ sở dữ liệu quản lý chuyên ngành rời rạc, ít cập nhật, chưa tích hợp chung thành một hệ thống cơ sở dữ liệu thống kê thống nhất. Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia cần sửa đổi, bổ sung kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế…Do vậy, việc sửa đổi là cần thiết và tốt nhất là nên sửa đổi toàn diện. Tuy nhiên, do tính cấp bách của việc sửa đổi, bổ sung kịp thời các chỉ tiêu thống kê quốc gia để kịp thời cập nhật, phản ánh các chủ trương chính sách mới của Đảng, Nhà nước và hội nhập quốc tế làm cơ sở hoạch định chính sách thì chỉ nên tập trung xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều trong Luật có nhiều bất cập cùng với Phụ lục danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia là phù hợp trong bối cành hiện nay.

Đại biểu Châu Ngọc Tuấn, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai phát biểu thảo luận về Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thống kê

Đại biểu Châu Ngọc Tuấn, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai phát biểu thảo luận về Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thống kê

Đại biểu Châu Ngọc Tuấn, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai nêu quan điểm: Về chỉ tiêu tỷ lệ nghèo đa chiều, việc lường nghèo đa chiều đang được 02 cơ quan là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (chỉ tiêu thống kê ngành) và Tổng cục Thống kê (chỉ tiêu thống kê quốc gia) cùng thực hiện và cho các kết quả khác nhau. Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo bổ sung thông tin, làm rõ việc tiếp tục có nên giao 02 cơ quan cùng thực hiện đo lường nghèo đa chiều không? Đã đảm bảo nguyên tắc không trùng lặp, không chồng chéo tại điểm c khoản 1 Điều 5 Luật Thống kê 2015 chưa?

Về mức sống tối thiểu, hiện có rất nhiều văn bản của Đảng, các cơ quan Nhà nước đều sử dụng khái niệm mức sống tối thiểu, đây là chỉ tiêu rất quan trọng, làm cơ sở để hoạch định các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về kinh tế - xã hội, nhất là chính sách tiền lương, an sinh xã hội, ưu đãi người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, giảm nghèo…. Tuy nhiên, hiện chưa có cơ quan quản lý nhà nước nào chịu trách nhiệm công bố chỉ tiêu này trong nhiều năm qua. Do đó, đại biểu Châu Ngọc Tuấn đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung chỉ tiêu này vào Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia và giao Tổng Cục Thống kê chủ trì thu thập thông tin.

Sau khi thảo luận tổ, góp ý về 2 dự án luật, Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai sẽ tổng hợp các ý kiến và báo cáo Quốc hội./.

Văn Lệ - Nguyễn Hiệp

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=59675