Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát chuyên đề tại Công ty Điện lực Điện Biên và Sở Công thương
ĐBP - Tiếp tục chương trình giám sát chuyên đề 'Việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016- 2021' của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 10/3, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên tiến hành giám sát tại Công ty Điện lực Điện Biên và Sở Công thương.
Đồng chí Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên, Trưởng đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc với Sở Công thương.
Theo báo cáo của Công ty Điện Lực Điện Biên, từ năm 2016-2022, công ty đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định đáp ứng phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh - quốc phòng và nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh. Trong giai đoạn đã thực hiện trên 1.194Tr.kWh, mức tăng trưởng trung bình năm đạt 5,66%. Dự báo giai đoạn 2021-2025 điện thương phẩm đạt trên 1.495Tr.kWh, mức tăng trưởng trung bình năm đạt 4,78%. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 57 dự án/nhà máy thủy điện vừa và nhỏ được phê duyệt quy hoạch, tổng công suất lắp máy dự kiến là trên 662MW. Gồm 15 nhà máy thủy điện đang vận hành khai thác, với tổng công suất trên 208MW; 25 dự án thủy điện đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư với tổng công suất trên 319MW; 17 dự án thủy điện được UBND tỉnh cho chủ trương nghiên cứu, khảo sát lập dự án đầu tư, tổng công suất lắp máy trên 130MW; 1 dự án chưa có nhà đầu tư, công suất lắp máy dự kiến 4,8MW. Hiện tại Công ty đang quản lý hai thủy điện: Thủy điện Thác Bay có công suất 2,4MW với sản lượng phát lên lưới trong năm trung bình 12tr.kWh và Thủy điện Nậm Pay có công suất 7,5MW với sản lượng phát lên lưới trong năm trung bình 14tr.kWh.
Về năng lượng tái tạo và chuyển dịch năng lượng: Kết quả phát triển nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Điện Biên hiện nay duy nhất chỉ dịch chuyển nguồn năng lượng điện mặt trời mái nhà; Công ty ký hợp đồng mua bán điện mặt trời mái nhà với 475 chủ đầu tư, tổng công suất 28,896MWp. Còn các nguồn năng lượng điện gió, điện sóng, sinh khối, năng lượng nguyên tử chưa có.
Công ty Điện lực Điện Biên kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm, xem xét bố trí tăng nguồn ngân sách Trung ương để tỉnh triển khai thực hiện các kế hoạch, đề án của chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 theo Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ; quan tâm tuyên tuyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nội dung công tác bảo vệ an toàn hành lang lưới điện, công tác sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.
Đại diện Công ty Điện lực Điện Biên trả lời đoàn giám sát.
Đối với Sở Công thương, trong giai đoạn trên thực hiện điều chuyển các Dự án về EVN quản lý; 17 công trình EVN đồng ý tiếp nhận, 40 công trình chưa được đồng ý tiếp nhận nhưng đã được vận hành từ năm 2017; đã giải ngân đạt 100%. Hiện nay các dự án chưa quyết toán được dẫn đến việc bố trí ngân sách duy tu bảo dưỡng và vận hành gặp khó khăn.
Đoàn giám sát đề nghị Sở Công thương làm rõ việc quyết toán các dự án đầu tư lưới điện nông thôn; vấn đề thuê đất của Công ty xăng dầu Tuần Giáo; điều chỉnh quy hoạch các thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn; công tác nghiên cứu, khảo sát chưa chính xác; có định hướng như thế nào với điện mặt trời? Đối với Công ty Điện lực Điện Biên, hiện nay ngành điện đang tính giá điện theo 4 mức, vậy Điện Biên áp dụng như thế nào? Giải pháp xử lý pin năng lượng hết thời hạn để không ảnh hưởng tới môi trường? Vấn đề bàn giao điện nông thôn... để bổ sung vào báo cáo gửi đoàn giám sát.