Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực

Ngày 24/3, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình do đồng chí Đặng Bích Ngọc, Phó trưởng đoàn chuyên trách phụ trách làm trưởng đoàn đã giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình.

Tham dự có đồng chí Nguyễn Thị Cẩm Phương - Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy Hòa Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; Nguyễn Văn Chương - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình.

Đồng chí Đặng Bích Ngọc, Phó trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc

Đồng chí Đặng Bích Ngọc, Phó trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc

Trong những năm qua, công tác xây dựng, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực luôn được tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Hòa Bình quan tâm, chú trọng. Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tham mưu, xây dựng dự thảo các văn bản chỉ đạo, chính sách nhằm phát triển nguồn nhân lực như các quyết định, nghị quyết về chính sách đặc thù đối với giáo viên, học sinh trường chuyên; xây dựng kế hoạch và tuyển dụng sinh viên loại giỏi, xuất sắc, thạc sỹ về công tác tại các trường chuyên…

Công tác đào tạo nguồn nhân lực được chú trọng thực hiện theo hướng tập trung nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng cho học sinh tại các đơn vị, trường học. Cụ thể, đối với giáo dục phổ thông, từ năm học 2021-2022 đến nay trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ đã đào tạo 5.729 học sinh tại 145 lớp chuyên và 22 lớp cận chuyên góp phần trực tiếp bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, phát triển kinh tế xã hội của quê hương, đất nước. Trường PTDTNT THPT từ năm học 2021-2022 đến nay đã đào tạo được 3.310 học sinh, cơ bản là người là người dân tộc thiểu số ở vùng xã, thôn đặc biệt khó khăn của tỉnh Hòa Bình, đây chính là nguồn cán bộ quan trọng của các địa phương trong tương lai.

Đồng chí Nguyễn Thị Cẩm Phương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hòa Bình đề nghị ngành giáo dục cần tích cực tham mưu để thực hiện tốt hơn nữa công tác phát triển nhân lực

Đồng chí Nguyễn Thị Cẩm Phương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hòa Bình đề nghị ngành giáo dục cần tích cực tham mưu để thực hiện tốt hơn nữa công tác phát triển nhân lực

Cơ sở vật chất các trường học, phòng học, thư viện và các hạng mục liên quan đến giáo dục đào tạo ngày càng được nâng cao. Hiện nay, toàn tỉnh Hòa Bình hiện có 8.561 phòng học, tỷ lệ phòng kiên cố đạt 85,8%; có 433 phòng thư viện, 352 phòng thiết bị, 131 nhà đa năng, 1.369 nhà vệ sinh đảm bảo vệ sinh môi trường... Công tác xây dựng nông thôn mới lĩnh vực giáo dục và đào tạo được quan tâm; đến nay toàn tỉnh Hòa Bình có 62% xã đạt tiêu chí số 5 về trường học và 99,2% số xã đạt tiêu chí số 14 về giáo dục. Tính đến năm học 2024-2025, mạng lưới các cơ sở giáo dục của tỉnh Hòa Bình có 521 cơ sở giáo dục bao gồm: 222 trường mầm non, 27 trường Tiểu học, 27 trường THCS, 194 trường TH&THCS, 36 trường THPT và 11 trường PT DTNT THCS& THPT, 01 trường Cao đẳng sư phạm, 01 Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, 01 trường Phổ thông liên cấp và 01 trường THPT Tư thục và các cơ sở giáo dục khác.

Đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho rằng để làm tốt sự nghiệp giáo dục và đào tạo đòi hỏi phải có sự tận tâm, tâm huyết, quyết tâm lớn

Đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho rằng để làm tốt sự nghiệp giáo dục và đào tạo đòi hỏi phải có sự tận tâm, tâm huyết, quyết tâm lớn

Tuy nhiên nguồn lực để thu hút nhân tài, nhân lực chất lượng cao của tỉnh Hòa Bình còn yếu. Thiếu chính sách hỗ trợ cho người có chuyên môn sâu dẫn đến chưa thu hút được giáo viên có trình độ cao tham gia giảng dạy.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã kiến nghị một số nội dung liên quan tới việc thực hiện chính sách về phát triển và sử dụng nhân lực, đặc biệt trong thu hút chuyên gia, giáo viên, sinh viên xuất sắc về giảng dạy tại địa phương; về tình hình thực hiện Thông tư 29 về quy định dạy thêm, học thêm…

Phát biểu tại buổi giám sát, đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho rằng để làm tốt sự nghiệp giáo dục và đào tạo đòi hỏi phải có sự tận tâm, tâm huyết, quyết tâm lớn; cần xây dựng được những cơ sở giáo dục lớn, chất lượng cao trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh Hòa Bình cam kết sẽ từng bước cải thiện chất lượng chất lượng dạy và học.

Đồng chí Nguyễn Thị Cẩm Phương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hòa Bình đề nghị ngành Giáo dục phải bám sát vào chiến lược phát triển của ngành và của tỉnh; tích cực tham mưu cho tỉnh để kiến nghị với Trung ương những chính sách chung và chính sách riêng với đặc thù của tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Điệp, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình nêu một số kiến nghị, đề xuất tại buổi làm việc

Đồng chí Nguyễn Ngọc Điệp, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình nêu một số kiến nghị, đề xuất tại buổi làm việc

Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Đặng Bích Ngọc, Trưởng Đoàn giám sát ghi nhận những kiến nghị, đề xuất tại buổi làm việc. Đoàn tiếp thu và tổng hợp, sẽ có kiến nghị tới cơ quan Quốc hội. Đồng chí Đặng Bích Ngọc cũng đề nghị ngành Giáo dục tiếp tục nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, giáo viên về chiến lược phát triển và sử dụng nhân lực chất lượng cao của tỉnh Hòa Bình; quan tâm đào tạo hỗ trợ đội ngũ cán bộ, giáo viên nâng cao chất lượng chuyên môn; tham mưu cho UBND tỉnh để tiếp tục thực hiện, sử dụng nguồn nhân lực; xây dựng các đề án, mô hình để đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực; tiếp tục rà soát, kiến nghị chi tiết hơn nữa về nội dung phát triển, sử dụng nguồn nhân lực tại địa phương.

Ngô Hường

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=93178