Đoàn ĐBQH tỉnh khảo sát tình hình thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng
Thực hiện chương trình công tác xây dựng pháp luật khóa XV và để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng 28/9, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có buổi khảo sát tình hình thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng trên địa bàn tỉnh tại Sở Nội vụ. Đoàn do đồng chí Trần Thị Hồng Thanh, TUV, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn.
Theo báo cáo của Sở Nội vụ: Thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng, Sở Nội vụ đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh ban hành các Chỉ thị, Kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và triển khai thực hiện nghiệm túc, kịp thời, có hiệu quả Luật Thi đua, khen thưởng và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thi hành đến các cấp, các ngành, đến toàn thế cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng.
Các phong trào thi đua yêu nước được phát động sâu rộng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp qua các nhiệm kỳ. Trong 5 năm (2016-2020), tỉnh Ninh Bình đã 3 lần được Cụm thi đua bình xét, suy tôn đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và 1 lần được Chính phủ tặng Cờ thi đua.
Cũng trong 5 năm qua, toàn tỉnh có trên 17.100 tập thể, cá nhân được cấp có thẩm quyền khen thưởng. Trong công tác khen thưởng đã chú trọng biểu dương khen thưởng cho các tập thể, cá nhân là công chức, viên chức, người lao động trực tiếp và đảm bảo tỷ lệ khen thưởng cho người lao động đạt 50%.
Tuy vậy, trong quá trình thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn còn những khó khăn, vướng mắc như: Luật chưa quy định cụ thể về thẩm quyền quyết định tặng các danh hiệu thi đua Lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua cơ sở và Giấy khen cho các đối tượng là Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, cá nhân thuộc các Ban của HĐND cấp tỉnh nên việc triển khai thực hiện tại địa phương đang có sự lúng túng; một số quy định về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện xét khen thưởng trong Luật chưa phù hợp với thực tiễn; tổ chức, bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng vẫn còn bất cập, chất lượng hoạt động chưa cao; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thi đua, khen thưởng còn có mặt hạn chế.
Từ thực tiễn triển khai, Sở Nội vụ kiến nghị: Luật Thi đua, khen thưởng cần quy định rõ về trách nhiệm của cấp ủy, của cơ quan, tổ chức trong triển khai phong trào thi đua; cần có chế tài cụ thể để xử lý trong trường hợp cơ quan, đơn vị, địa phương, người đứng đầu vi phạm.
Đề nghị Quốc hội sớm xem xét ban hành Luật Thi đua, khen thưởng mới trên cơ sở hợp nhất Luật năm 2003, năm 2005 và năm 2013; đồng thời xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều theo hướng cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn, thẩm quyền xét, công nhận, trình cấp có thẩm quyền khen thưởng cho các tập thể, cá nhân.
Đề nghị có văn bản hướng dẫn cụ thể về chỉ tiêu biên chế và phương án bố trí cán bộ làm công tác thi đua cấp huyện theo Nghị định 122 ngày 4/10/2005 hoặc đề nghị tham mưu cho Chính phủ bãi bỏ Nghị định này vì không còn phù hợp thực tiễn…
Tại buổi làm việc, các thành viên trong Đoàn đã trao đổi làm rõ thêm về một số kết quả đạt được cũng như những hạn chế, khó khăn trong thực hiện Luật.
Trong đó chỉ rõ tính hình thức của một số phong trào thi đua ở một số địa phương, đơn vị; phương thức hoạt động của các Khối thi đua; việc theo dõi, đánh giá, kiểm tra, tổng kết, sơ kết các phong trào thi đua; những bất cập trong thực hiện quy định về tiêu chuẩn, điều kiện xét khen thưởng; việc khen thưởng đối với các đối tượng là người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; Quỹ thi đua, khen thưởng dành cho các Hội, đoàn thể; những kiến nghị đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua, khen thưởng…
Phát biểu tại buổi khảo sát, đồng chí Trần Thị Hồng Thanh, TUV, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH trân trọng cảm ơn sự quan tâm, phối hợp của Sở Nội vụ đã cung cấp thông tin, báo cáo, giúp Đoàn có thêm những cái nhìn tổng thể, nhất là những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng. Đây cũng là kênh thông tin quan trọng để đại biểu Quốc hội tham gia, góp ý vào công tác xây dựng sửa đổi, bổ sung Luật trong kỳ họp tới.
Tiếp thu những kiến nghị của Sở Nội vụ trong thực Luật Thi đua khen thưởng, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiến hành nghiên cứu, tổng hợp để kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành quan tâm giải quyết.