ĐOÀN ĐBQH TỈNH LAI CHÂU GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN
Thực hiện chương trình công tác, sáng 29/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Lai Châu do đồng chí Hoàng Quốc Khánh - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Lai Châu đã tổ chức giám sát việc thực hiện Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) trên địa bàn tỉnh.
Tham dự chương trình làm việc có đồng chí Nguyễn Xuân Hòa - Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Lai Châu, các đồng chí lãnh đạo và các phòng chuyên môn của TAND tỉnh Lai Châu.
Hiện nay, TAND tỉnh Lai Châu gồm: Ủy ban Thẩm phán; 3 tòa chuyên trách, 3 phòng giúp việc TAND cấp tỉnh, 8 TAND cấp huyện. Tổng biên chế được giao là 101 người, hiện có mặt là 100 người, trong đó có 89 công chức giữ chức danh tư pháp và 11 công chức hành chính.
Thực hiện Luật Tổ chức TAND, TAND tỉnh Lai Châu thường xuyên kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức; bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, phẩm chất chính trị, đạo đức, tinh thần trách nhiệm, chấp hành đúng quy định của pháp luật và ngành.
Từ ngày 1/6/2015 đến 31/5/2023, TAND các cấp trong tỉnh đã thụ lý 10.120 vụ các loại, trong đó đã giải quyết 9.785 vụ, còn lại đang giải quyết.
Về cơ sở vật chất, những đơn vị mới xây dựng và trang cấp lần đầu đều đảm bảo, tuy nhiên các trang thiết bị phục vụ công việc đều đã xuống cấp và thiếu sự đồng bộ; thiết bị công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng Tòa án điện tử chưa đảm bảo...
Tại buổi giám sát, đồng chí Nguyễn Xuân Hòa - Chánh án TAND tỉnh Lai Châu đã nêu một số khó khăn, vướng mắc, bất cập trong việc thi hành Luật Tổ chức TAND tại địa phương như: Theo quy định của Luật, cơ cấu tổ chức đối với TAND huyện còn khá đơn giản nên một số lượng lớn công việc đáng lẽ có thể xử lý tại TAND cấp huyện thì lại phải chuyển cho TAND tỉnh giải quyết; chưa có thiết chế và cơ chế pháp lý đầy đủ để xây dựng và triển khai Tòa án điện tử, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực tiễn; mức phụ cấp bồi dưỡng xét xử cho hội thẩm tham gia nghiên cứu hồ sơ, xét xử còn thấp, không phù hợp với đặc thù nhiệm vụ phải thực hiện; chế độ chính sách đãi ngộ với các chức danh tư pháp còn thấp, chưa tương xứng với tính chất nghề nghiệp, chế độ trách nhiệm pháp lý đặc thù của ngành Tòa án…
Thành viên trong Đoàn công tác cũng đã tham gia các ý kiến trong đó đề nghị làm rõ thêm một số nội dung trong thực hiện Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân tại địa phương; những căn cứ để làm rõ thêm các kiến nghị, đề xuất... Các nội dung đã được phía TAND tỉnh giải trình làm rõ.
Tham gia ý kiến về một số nội dung liên quan đến dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân, đại biểu cơ bản nhất trí với dự thảo, chỉ đề nghị có sự điều chỉnh một số ý kiến nhỏ trong quy định về chức năng, nhiệm vụ của Tòa án; về nhiệm vụ, tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán, ngạch, bậc Thẩm phán và Thẩm tra viên, Thư ký viên; về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, thành phần của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia...
Phát biểu tại buổi giám sát, đồng chí Hoàng Quốc Khánh - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Lai Châu đánh giá cao sự cố gắng của TAND hai cấp tỉnh Lai Châu. Ngành Tòa án đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Luật Tổ chức TAND, cơ bản đúng quy định, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Số lượng biên chế công chức, lao động, thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký tòa phân bổ cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tế. Đội ngũ cán bộ, công chức cơ bản đã được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn về năng lực, trình độ, phẩm chất và các điều kiện khác theo quy định. Cán bộ, công chức đã tích cực nghiên cứu, học tập, rèn luyện để nâng cao năng lực, trình độ hiểu biết pháp luật, tinh thần trách nhiệm trong công việc.
Với một số kiến nghị, đề xuất thuộc thẩm quyền, đồng chí Hoàng Quốc Khánh cho rằng, với những nội dung cần sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay của ngành Tòa án, đề nghị đơn vị tham gia góp ý kiến vào dự thảo Luật. Đồng chí cũng đề nghị TAND hai cấp của tỉnh tiếp tục thực hiện đầy đủ Luật Tổ chức TAND và các quy định pháp luật liên quan về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án, cán bộ, công chức và các chức danh tư pháp; thực hiện tốt việc tổ chức xét xử lưu động, với những vụ việc có tính chất nhạy cảm, phức tạp đề nghị đơn vị phối hợp báo cáo chính quyền địa phương để cùng giải quyết thỏa đáng; chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức; phối hợp tốt với cấp ủy chính quyền địa phương để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử, giải quyết các vụ, việc theo thẩm quyền…
Đối với những đề xuất, kiến nghị của TAND hai cấp, Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu sẽ ghi nhận, tổng hợp đầy đủ để tham gia ý kiến với Quốc hội trong kỳ họp tới.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=80486