ĐOÀN ĐBQH TỈNH LÂM ĐỒNG GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ VỀ HOẠT ĐỘNG LUẬT SƯ, CÔNG CHỨNG, THỪA PHÁT LẠI, ĐẤU GIÁ TÀI SẢN
Chiều 21/12, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện chương trình giám sát chuyên đề 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về hoạt động luật sư, công chứng, thừa phát lại, đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng'.
Đoàn do đồng chí Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH làm trưởng đoàn, cùng tham dự giám sát có ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh - Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH - HĐND tỉnh, ĐBQH K’ Nhiễu - Phó Chánh Văn phòng Sở Khoa học và Công nghệ, cùng các thành viên đoàn giám sát gồm đại diện HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ, Ban Nội chính, các thành viên Tổ Tư vấn chính sách pháp luật của Đoàn.
Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo Sở Tư pháp, Viện Kiểm sát Nhân dân, Cục Thi hành án dân sự, Tòa án Nhân dân, cơ quan Cảnh sát điều tra, Cục Thuế, Trung tâm dịch vụ đấu giá, Đoàn Luật sư, các tổ chưc hành nghề công chứng, các văn phòng Thừa phát lại…
Chương trình giám sát về lĩnh vực này được Đoàn ĐBQH thực hiện nhằm kịp thời nắm bắt, tiếp nhận, lắng nghe những ý kiến, kiến nghị của ngành Tư pháp, các tổ chức liên quan về những bất cập, tồn tại, khó khăn liên quan đến lĩnh vực này. Đây là những vấn đề thực tế đang đặt ra, được dư luận và nhân dân rất quan tâm. Qua đó giúp Đoàn ĐBQH có những báo cáo tổng hợp kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương.
Theo báo cáo, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, đến nay có 55 tổ chức hành nghề luật sư; trong đó, có 51 văn phòng luật sư, 4 công ty luật với 132 luật sư (có 4 luật sư hành nghề với tư cách cá nhân). Ngoài ra, còn có 22 chi nhánh văn phòng luật sư ngoài tỉnh đăng ký hoạt động. Số lượng luật sư hoạt động tăng theo hàng năm, doanh thu đạt mức khá được hơn 16,7 tỷ đồng nộp thuế cho nhà nước được hơn 862 triệu đồng.
Tỉnh Lâm Đồng có 40 tổ chức hành nghề công chứng; trong đó, có 4 phòng công chứng và 36 văn phòng công chứng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, có 6 văn phòng công chứng được thành lập mới trên địa bàn tỉnh. Hiện nay có 85 công chứng viên đăng ký hành nghề trên địa bàn tỉnh
Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 5 văn phòng thừa phát lại; có 1 trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản trực thuộc Sở Tư pháp; 3 doanh nghiệp đấu giá tư nhân (trong đó có 1 doanh nghiệp hiện đang tạm ngưng hoạt động), 4 chi nhánh của doanh nghiệp đấu giá tài sản. Tổng số đấu giá viên trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là 16 người.
Tại buổi làm việc, nhiều đại biểu tham dự đã nêu lên những bất cập, tồn tại hiện nay liên quan đến công chứng, đề cập đến trách nhiệm công chứng viên, việc xử lý vi phạm đối với công chứng viên và phòng công chứng; cần có phần mềm về công chứng chứng thực liên thông để giảm chồng chéo, tránh lạm dụng lừa đảo.
Việc ban hành các văn bản pháp luật, chỉ đạo liên quan đến hoạt động luật sư, công chứng, thừa phát lại, đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Cụ thể, nhất gần đây liên quan đến đấu giá khu vực Thủy Tạ - Đà Lạt cho thấy còn nhiều bất cập, lỏng lẻo trong đấu giá.
Công tác xét duyệt, cấp phép và quản lý hoạt động đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động hành nghề luật sư, công chứng, thừa phát lại, đấu giá tài sản còn bất cập; chồng chéo; có đại biều cho rằng Luật hiện nay còn lỏng lẻo, rất sơ sài, việc quản lý luật sư hiện nay còn thiếu chặt chẽ, nên giao cho Đoàn Luật sư tự quản, tự chịu trách nhiệm.
Thực tế đặt ra đòi hỏi Công tác chỉ đạo hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính liên quan đến các hoạt động này cần phải chặt chẽ hơn vì đã xảy ra đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan một số phòng công chứng và hoạt động công chứng… Cần bổ sung thêm trong luật một cách cụ thể chi tiết hơn về xác định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình triển khai thực hiện
Công tác tuyên truyền pháp luật đến dân còn rất hạn chế, đề người dân thiếu hiểu biết và thiệt hại quyền lợi; bất cập liên quan đến các văn bản pháp luật khác về hiệu lực của hợp đồng, giao dịch như Luật Đất đai, Luật Nhà ở...
Đại diện sở Tư pháp tiếp thu, ghi nhận, giải trình các ý kiến góp ý và kiến nghị với Đoàn Giám sát về nhiều nội dung còn bất cập, hạn chế tại địa phương liên quan đến lĩnh vực hoạt động luật sư, công chứng, thừa phát lại, đấu giá tài sản.
Trưởng Đoàn Giám sát Nguyễn Tạo kết luận: Qua giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh nhận thấy tuy số lượng các tổ chức hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp trên địa bàn Lâm Đồng ngày càng phát triển nhưng chất lượng hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ hành nghề lại không đồng đều. Công tác phát triển nhằm đảm bảo hội nhập quốc tế còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu về sử dụng dịch vụ pháp lý của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhận thức của một số cơ quan, đơn vị và người dân về ý nghĩa, vai trò, nhiệm vụ hoạt động thừa phát lại vẫn còn hạn chế, số lượng người yêu cầu các nghiệp vụ thừa phát lại còn thấp. Sự thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất, chậm sửa đổi, bổ sung, thay thế các quy định không còn phù hợp trong hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật về công chứng nói riêng đã ảnh hưởng đến hoạt động công chứng…
Theo đó, Đoàn ĐBQH sẽ đề nghị cơ quan chức năng sớm sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư theo hướng tạo điều kiện cho người tập sự hành nghề luật sư được tham gia các vụ việc ở tòa sơ thẩm (cấp huyện, thành phố) để có điều kiện trau dồi, nâng cao kỹ năng hành nghề. Đề nghị bổ sung trợ giúp viên pháp lý là đối tượng được miễn đào tạo, tập sự trong Luật Luật sư. Đề nghị quan tâm để sớm thành lập tổ chức cơ sở Đảng đối với Đoàn Luật sư tỉnh.
Đoàn sẽ kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng nghiên cứu, tham mưu sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở và các luật có liên quan theo hướng chuyển thẩm quyền chứng thực hợp đồng giao dịch liên quan đến bất động sản cho các tổ chức hành nghề công chứng. Kiến nghị Quốc hội sớm ban hành Luật Thừa phát lại; sửa đổi Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại, tránh nhầm lẫn giữa việc lập vi bằng với các hoạt động thuộc lĩnh vực công chứng. Cần xây dựng, ban hành các biện pháp chế tài, xử phạt răn đe nghiêm khắc đối với các hành động gây nguy hiểm đến thể chất và tinh thần của người làm nhiệm vụ tống đạt, nhất là khi tống đạt các văn bản tố tụng.
Kiến nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, xem xét hướng dẫn cụ thể nội dung quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều 37 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP trong việc ghi nhận mục đích, căn cứ pháp lý của sự kiện, hành vi lập vi bằng. Đề nghị xem xét việc quy định mức thù lao đấu giá cụ thể vì chúng ta đã thừa nhận dịch vụ đấu giá là ngành nghề kinh doanh thì không, vì vậy nên để doanh nghiệp tự thỏa thuận hoặc định giá.
Trưởng đoàn giám sát đề nghị Ban Nội chính Tỉnh ủy tham mưu ngay Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc sớm thành lập Chi bộ Văn phòng Đoàn Luật sư tỉnh nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò, trách nhiệm hoạt động của luật sư trong giai đoạn hiện nay.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=83431