ĐOÀN ĐBQH TỈNH LÂM ĐỒNG GIÁM SÁT PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TẠI NHÀ MÁY THỦY ĐIỆN YAN TANN SIEN

Sáng 15/3, tiếp tục chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng tổ chức chương trình giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021 tại Thủy điện Yan Tann Sien (thôn Lán Tranh, xã Đưng K'Nớ, huyện Lạc Dương) thuộc Công ty CP Thủy điện Cao Nguyên Sông Đà 7.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH LÂM ĐỒNG GIÁM SÁT PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TẠI HUYỆN ĐỨC TRỌNG

Các đồng chí chủ trì điều hành buổi làm việc

Các đồng chí chủ trì điều hành buổi làm việc

Tham dự buổi giám sát có ĐBQH K’ Nhiễu - Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh - Ủy viên Hội đồng Khoa học của Quốc hội; Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Lê Chí Quang Minh; lãnh đạo các sở, ngành, phòng ban liên quan cùng các thành viên đoàn giám sát, đại diện Công ty CP Thủy điện Cao Nguyên Sông Đà 7, Công ty Điện lực Lâm Đồng, Điện lực Lạc Dương.

Nhà máy Thủy điện Yan Tann Sien có công suất 19,5 MW, sản lượng điện phát hòa lưới điện quốc gia theo thiết kế 78 triệu KW, vốn đầu tư trước thuế trên 670 tỷ đồng, tổng diện tích đất sử dụng là 109 ha. Nhà máy khởi công vào năm 2008 và phát điện vào năm 2014.

Đại diện công ty báo cáo với đoàn về quá trình xây dựng dự án thủy điện và kiến nghị những khó khăn

Đại diện công ty báo cáo với đoàn về quá trình xây dựng dự án thủy điện và kiến nghị những khó khăn

Đến nay, nhà máy luôn hoạt động tốt, đảm bảo được kế hoạch, mục tiêu đề ra; đóng góp một phần sản lượng điện vào hệ thống điện quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng và góp phần tạo việc làm cho 37 lao động, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.

Đến cuối 2022, Nhà máy Thủy điện Yan Tann Sien đã phát điện lưới quốc gia 920 triêu KW, doanh thu 978 tỷ đồng, nộp ngân sách địa phương 105 tỷ, thuế tài nguyên 78 tỷ, chi trả dịch vụ môi trường rừng 28 tỷ.

Các thành viên đoàn giám sát đặt vấn đề yêu cầu công ty nêu những khó khăn cụ thể, nhất là trong thực thi về chính sách pháp luật, về môi trường, khoáng sản. Việc trồng lại rừng sau khi xây dựng nhà máy thủy điện, giá bán điện… Các sở, ngành liên qua đã giải trình làm rõ thêm một số nội dung liên quan; đồng thời, đề nghị công ty bảo trì, nâng cấp hồ chứa đảm bảo an toàn nhà máy hoạt động.

Toàn cảnh buổi làm việc

Toàn cảnh buổi làm việc

Phía Công ty cũng kiến nghị đoàn giám sát về những khó khăn, vướng mắc như đề nghị các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra các đơn vị hoạt động phía trên thượng lưu đập chuyển nước thi công khai thác, san lấp mặt bằng đúng với giấy phép, thiết kế đã được phê duyệt và có phương án thi công cụ thể không gây cát đất đổ xuống làm nên bồi lắng tại đập chuyển nước của nhà máy.

Đề nghị chính quyền địa phương giải quyết triệt để những hộ dân lấn chiếm đất của dự án. Đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng, các sở, ban, ngành tỉnh quan tâm xem xét, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tận thu khai thác một phần cát khu vực lòng suối nhà máy thủy điện để được sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng công trình hàng năm.

Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH đi khảo sát thực tế tại Nhà máy Thủy điện Yan Tann Sien

Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH đi khảo sát thực tế tại Nhà máy Thủy điện Yan Tann Sien

Công ty cũng kiến nghị Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam xem xét sớm phê duyệt giá mua điện và điều chỉnh tăng giá mua điện hàng năm cho phù hợp nhu cầu về điện cũng như giá điện bán lẻ tăng thêm đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư và tăng hiệu quả dự án.

Thay mặt đoàn giám sát, ĐBQH K’ Nhiễu kết luận tại buổi làm việc: Phía doanh nghiệp cơ bản chấp hành tốt chính sách pháp luật về phát triển năng lượng, nhà máy từ khi vận hành đi vào hoạt động đã đóng góp cho địa phương khá tốt, tạo việc làm, thu nhập cho lao động địa phương. Đối với việc giải quyết lấn chiếm đất dự án của một số hộ dân, đề nghị UBND huyện Lạc Dương quan tâm phối hợp giải quyết triệt để. Một số kiến nghị về khó khăn, bất cập, đoàn sẽ tổng hợp kiến nghị Quốc hội, các bộ ngành Trung ương.

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=74030