Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình lấy ý kiến đóng góp vào các dự thảo luật trình tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Sáng 10/10, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Ninh Bình đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT); dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND trình tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Đồng chí Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các ban của HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo các huyện, thành phố, các sở, ngành có liên quan.

Tại hội nghị, đa số các ý kiến cơ bản thống nhất với nội dung các chương, điều của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Để luật sau ban hành có tính khả thi cao, sớm đi vào cuộc sống, các đại biểu đã đóng góp ý kiến các nhóm vấn đề liên quan đến hai dự thảo luật.

Lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội tỉnh phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội tỉnh phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Về dự thảo Luật BHYT sửa đổi, các đại biểu đều nhất trí với việc cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật BHYT hiện hành nhằm bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT và khả năng chi trả của quỹ BHYT. Đại biểu đóng góp cần có quy định rõ hơn về khám, chữa bệnh ban đầu cho người có bảo hiểm y tế; vận chuyển người bệnh; dịch vụ cấp cứu trước bệnh viện. Các vấn đề liên quan đến người nghèo, cận nghèo mắc các bệnh hiểm nghèo. Đối tượng và các hình thức hỗ trợ người hưởng BHYT khi mắc bệnh hiểm nghèo.

Tính đa dạng, linh hoạt của BHYT. Việc tự chủ tài chính của các bệnh viện. Tháo gỡ khó khăn trong việc thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế của các bệnh viện, danh mục được hưởng BHYT. Cách thức quản lý bảo hiểm xã hội, BHYT. Chế độ cung cấp dinh dưỡng cho người bệnh khi tham gia BHYT. Việc chi trả BHYT trong quản lý thai nghén. Thanh toán dịch vụ khám, chữa bệnh theo chất lượng dịch vụ y tế. Nên có quy định rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của người đóng BHYT. Cần rà soát, nâng cao chất lượng của dịch vụ BHYT để cạnh tranh với các loại bảo hiểm khác. Có quy định khuyến khích người dân khám, chữa bệnh ở tuyến cơ sở…

Về dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND sửa đổi, các ý kiến cho rằng Luật sửa đổi, bổ sung cần tập trung vào các nội dung giám sát, lựa chon nội dung giám sát, chất vấn; quy định về thời gian, đối tượng giám sát. Quy định về giám sát của HĐND. Cần cân nhắc quy định cứng về giám sát để không ảnh hưởng đến vấn đề cần giám sát của đại biểu Quốc hội, HĐND. Việc giám sát chuyên đề, giám sát về khiếu nại, tố cáo ở cơ sở. Cần có quy định thực hiện thông báo các kiến nghị của HĐND qua giám sát. Có quy định về thời gian, thời hiệu giám sát phù hợp với giai đoạn giám sát. Quy định rõ quy mô giám sát của HĐND các cấp. Quy định rõ hơn về công khai các kết luận giám sát của Quốc hội, HĐND đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả giám sát. Một số vấn đề chưa cần luật hóa cần bổ sung vào các quy định ở các nghị quyết, các văn bản khác cho linh hoạt hơn…

Đồng chí Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Thị Hồng Thanh phát biểu kết luận hội nghị.

Đồng chí Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Thị Hồng Thanh phát biểu kết luận hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Thị Hồng Thanh đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu dự hội nghị; khẳng định các ý kiến này là cơ sở để Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia góp ý, thảo luận và phát biểu ý kiến tại kỳ họp Quốc hội tới. Đồng chí đề nghị các đại biểu nghiên cứu tiếp tục đóng góp bằng văn bản về Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh để Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp gửi tới cơ quan soạn thảo luật xem xét, quyết định.

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=89961