ĐOÀN ĐBQH TỈNH QUẢNG NAM: CẦN ƯU TIÊN NUÔI DƯỠNG NGUỒN THU

Nhiệm vụ quan trọng hiện nay là 'ưu tiên nuôi dưỡng nguồn thu' bằng cách 'hồi sức cấp cứu' các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa bằng những cơ chế, chính sách về tài khóa, tiền tệ. Đây là quan điểm chung của các đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam khi thảo luận về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội chiều nay, ngày 04/01.

Đại biểu Lê Văn Dũng - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam phát biểu thảo luận.

Đại biểu Lê Văn Dũng - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam phát biểu thảo luận.

Thảo luận tại tổ chiều nay, các đại biểu tỉnh Quảng Nam thống nhất cao với việc cần thiết cho ra đời Nghị quyết về chính sách tài khóa tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Trong đó tập trung vào chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như tiền thuê đất. Theo đại biểu Phan Thái Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, sự ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 là rất lớn và kéo dài. Theo dự báo có thể sẽ có nhiều biến động, ít nhất đến hết năm 2022. Như vậy sau hơn 3 năm nền kinh tế bị vắt kiệt sức do Covid 19 thì phải mất một thời gian nữa mới có thể phục hồi. Do vậy, việc cấp thiết hiện nay là ưu tiên nuôi dưỡng nguồn thu - tức là chính các doanh nghiệp. Ngay thời điểm này phải thực hiện “hồi sức cấp cứu” để doanh nghiệp duy trì, lấy đà quay trở lại. Đại biểu Phan Thái Bình cho rằng, nếu để doanh nghiệp “chết hẳn” rồi mới hỗ trợ thì không còn ý nghĩa, động lực của nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng.

Do đó, tại buổi thảo luận tổ, các đại biểu Quảng Nam đã tập trung đề nghị nhiều nhóm giải pháp để hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp. Đặc biệt là với các địa phương có nền kinh tế du lịch - dịch vụ là thế mạnh và là nguồn thu chính như Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Kiên Giang….. thì việc tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch - dịch vụ - lữ hành là hết sức cần thiết.

Trước đó, để giúp các doanh nghiệp có điều kiện phục hồi kinh tế, ngày 25/09/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 27, theo đó giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 đối với người thuê đất. Tuy nhiên, theo các đại biểu Quảng Nam, cần kéo dài thêm thời gian thực hiện chính sách này. Đại biểu Lê Văn Dũng - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đề xuất kiến nghị Quốc hội, Chính phủ nên xem xét cho các công ty giảm 70% tiền thuê đất và thời gian giảm kéo dài đến hết 2023. Đồng thời cho phép các công ty du lịch - dịch vụ - lữ hành chậm nộp 30% số tiền thuê đất còn lại. Bên cạnh đó, tiếp tục kéo dài thực hiện chính sách hỗ trợ giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp và và nhỏ theo Nghị định 92/2021 của Chính Phủ thêm ít nhất 1 năm, tức là đến hết năm 2022 cũng là một phương án cần được cân nhắc để giúp các doanh nghiệp đủ sức duy trì sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Trong 2 phương án dự thảo Nghị quyết đặt ra về việc miễn trừ chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản ủng hộ, hỗ trợ. Các đại biểu Quảng Nam đồng tình cao với phương án 1, tức là tính cả số tiền ủng hộ lẫn hiện vật. Bởi thực tế vừa qua, không chỉ riêng Quảng Nam mà nhiều địa phương khác cũng nhận được vừa tiền mặt ủng hộ, vừa là vật tư, hiện vật phòng chống dịch.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình phát biểu thảo luận.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình phát biểu thảo luận.

Đồng tình với ý kiến đại biểu Lê Văn Dũng, đại biểu Phan Thái Bình - Quảng Nam cũng kiến nghị, với trường hợp các doanh nghiệp phải thực hiện điều chỉnh đơn giá thuê đất giai đoạn 5 năm trong thời gian tới. Vì giai đoạn 2021 - 2025, bảng giá đất chắc chắn sẽ cao hơn nên đại biểu Phan Thái Bình đề xuất cho các doanh nghiệp thực hiện đơn giá cũ của giai đoạn 2016-2020 để họ có điều kiện trụ vững, phục hồi đi qua đại dịch. Đại biểu Phan Thái Bình nhấn mạnh, cùng với các chính sách về tài khóa tiền tệ, chúng ta còn thực hiện chính sách thể chế, ứng dụng Công nghệ thông tin, cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính để tinh hơn, gọn hơn, chuyền từ tiền kiểm sang hậu kiểm… tất cả nhằm giúp cho các doanh nghiệp có được sự hỗ trợ đủ mạnh và đồng bộ để vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý rằng rút kinh nghiệm từ các gói hỗ trợ kích thích kinh tế trước, các chương trình lần này phải được xây dựng làm sao cho doanh nghiệp tiếp cận nhanh, đơn giản và hiệu quả.

Cũng cùng chung quan điểm với đại biểu Phan Thái Bình, đại biểu Dương Văn Phước - Quảng Nam đề nghị cần cấn nhắc đến các yếu tố vĩ mô như lạm phát, nợ công…. Phải giữ ổn định các chỉ số trong mức cho phép. Đặc biệt phải tránh lặp lại vết xe đổ thời gian qua, khi chúng ta tập trung hỗ trợ với quy mô rộng, nhiều ưu đãi … sẽ dễ dẫn đến việc trục lợi chính sách. Đó cũng là bài học kinh nghiệm cần được thẳng thắn nhìn nhận và đề cập trong tờ trình Dự thảo Nghị quyết.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Dương Văn Phước phát biểu thảo luận.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Dương Văn Phước phát biểu thảo luận.

Cũng theo đại biểu Dương Văn Phước, để chuyển từ trạng thái “zero Covid” đến “sống chung với Covid” thì đặc biệt cần quan tâm đến công tác phòng chống dịch, sẵn sàng sống chung với dịch. Tuy nhiên vấn đề đặt ra, trong tờ trình chỉ chú tâm đến mua sắm trang thiết bị, chưa tính đến rà soát, thu thập vấn đề, số liệu liên quan đến con người, đặc biệt y tế thôn bản, cơ sở. Trên thực tế đây đều là những nơi cực kỳ khó khăn. Đại biểu Phước băn khoăn, đầu tư trang thiết bị y tế nhưng không đầu tư cho con người trong lĩnh vực này, thì liệu có đạt được mục tiêu đề ra?

Về đầu tư cho miền núi, đại biểu Lê Văn Dũng đề nghị, giảm 100% tiền thuê đất 5 năm đầu đối với các nhà đầu tư thực hiện đầu tư vào lĩnh vực miền núi. Đồng thời hỗ trợ tiền giải phóng mặt bằng. Bởi hiện nay giải phóng mặt bằng miền núi vô cùng khó khăn, doanh nghiệp khó thực hiện. Có như vậy mới đủ sức mời gọi các công ty đầu tư vào miền núi, vào những vùng đặc biệt khó khăn, giải quyết bài toán việc làm cho người dân miền núi, vùng sâu vùng xa./.

Mỹ Phượng - Lê Quang

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=61579