Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận tổ vào một số dự án luật
Chiều 17-6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, sau khi tham gia các nội dung toàn thể tại hội trường, Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang cùng ĐBQH các tỉnh Tây Ninh, Sơn La và thành phố Đà Nẵng thảo luận tổ vào các dự án: Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc giảm thuế giá trị gia tăng. Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì, điều hành thảo luận.
Tham gia góp ý vào dự án Luật Công chứng (sửa đổi), đại biểu Âu Thị Mai, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng tình với sự cần thiết sửa đổi luật.
Tham gia vào nội dung cụ thể: về tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên, đại biểu đề nghị cân nhắc việc quy định Có thời gian công tác pháp luật từ đủ 3 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật, thạc sỹ luật hoặc tiến sỹ luật.
Theo đại biểu nên giữ nguyên quy định điều kiện về thời gian công tác pháp luật từ đủ 5 năm như Luật Công chứng 2014, nhằm đảm bảo nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức của công chứng viên, lấy công chứng viên là trung tâm như Tờ trình dự thảo Luật.
Tại Điều 10 về Tập sự hành nghề công chứng, đại biểu cho rằng, quy định Công chứng viên hướng dẫn tập sự phải có từ đủ 02 năm kinh nghiệm hành nghề công chứng trở lên và tại cùng một thời điểm, một công chứng viên không được hướng dẫn tối đa là 02 người tập sự… không phù hợp, dẫn đến khó khăn trong thực tiễn thực hiện.
Tại một số địa phương có số lượng công chứng viên ít, trong khi nhu cầu về tập sự hành nghề công chứng có thời điểm phát sinh nhiều người, số công chứng viên bị xử phạt vi phạm hành chính nhiều... đại biểu đề nghị nghiên cứu chỉnh sửa giảm thời gian kinh nghiệm của công chứng viên hướng dẫn tập sự là phải có từ đủ 01 năm kinh nghiệm hành nghề công chứng trở lên.
Đồng thời, đề nghị sửa quy định thành “Tại cùng một thời điểm, một công chứng viên được hướng dẫn tối đa là 02 người tập sự…” để đảm bảo chính xác.
Về Điều 26 chấm dứt tư cách thành viên hợp danh của Văn phòng công chứng, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về tránh nhiệm của Văn phòng công chứng trong việc thông báo cho Sở Tư pháp khi tổ chức mình có công chứng viên thông báo chấm dứt tư cách thành viên hợp danh.
Đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định về công chứng viên hợp danh có quyền rút vốn khỏi Văn phòng công chứng hoặc chuyển nhượng vốn góp của mình cho công chứng viên hợp danh khác.
Đại biểu Âu Thị Mai cũng tham gia ý kiến cụ thể vào một số nội dung về: quy định thẩm quyền công chứng giao dịch về bất động sản; tạm ngừng hoạt động của Văn phòng công chứng và Về người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch...
Tham gia góp ý Luật Thuế giá trị gia tăng, đại biểu Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chi nhánh Tuyên Quang nhấn mạnh sửa đổi Luật là để khắc phục các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật Thuế GTGT.
Cùng với việc loại bỏ một số hàng hóa, dịch vụ khỏi đối tượng không chịu thuế, dự thảo Luật cũng bổ sung nhiều hàng hóa, dịch vụ vào diện không chịu thuế và vẫn giữ nguyên số lượng nhóm đối tượng không thuộc diện chịu thuế như quy định hiện hành. Đại biểu đề nghị có đánh giá kỹ hơn về lý do và tác động của các hàng hóa, dịch vụ được bổ sung đối với nội dung này.
Đại biểu cũng đề nghị làm rõ một số nội dung quy định cụ thể trong dự án luật thay vì giao chính phủ như trước đây. Đồng thời, đề nghị Chính phủ đánh giá các tác động đối với việc bổ sung quy định cho phép không thu thuế GTGT đối với hàng hóa mua bán của cư dân biên giới trong định mức miễn thuế xuất nhập khẩu (quy định tại điểm đ khoản 26 Điều 5 dự thảo Luật) để tránh các trường hợp lợi dụng chính sách.
Cùng với đó, xem xét lại đề xuất của Chính phủ về việc chuyển phân bón, tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp từ đối tượng không chịu thuế sang áp dụng mức thuế suất 5%...