Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận về Dự án luật Điện ảnh (sửa đổi) và Luật thi đua, khen thưởng (sửa đổi)

Ngày 23-10, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV tiếp tục nội dung, chương trình làm việc. Dự kỳ họp tại điểm cầu Tuyên Quang có đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang; các ĐBQH tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

Các đại biểu dự họp tại điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang.

Các đại biểu dự họp tại điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang.

Buổi sáng, các đại biểu đã nghe tờ trình, Báo cáo thẩm tra và thảo luận về Dự án luật Điện ảnh (sửa đổi) và Luật thi đua, khen thưởng sửa đổi. Sau đó, các đại biểu thảo luận tại tổ về các dự án luật này. Tham gia ý kiến Dự án luật Điện ảnh (sửa đổi), các đại biểu trong Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, Luật sửa đổi đã kế thừa các quy định hiện hành và sửa đổi bổ sung nhiều quy đinh mới cơ bản phù hợp với 4 chính sách đề xuất trong đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua gồm: tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất phim; hỗ trợ, khuyến khích phát hành, phổ biến phim Việt Nam, quảng bá điện ảnh trong nước và ngoài nước; đổi mới công tác quản lý, áp dụng công nghệ tiên tiến trong bối cảnh phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng bày tỏ quan điểm, cần có phương án cụ thể về quản lý hình thức phổ biến phim trên không gian mạng từ hậu kiểm, tiềm kiểm, tránh để lộ lọt phim vi phạm pháp luật, không phù hợp với văn hóa Việt Nam. Luật điện ảnh (sửa đổi) cần phải tạo ra hành lang pháp lý và chính sách đột phá, có tầm nhìn dài hạn để phát triển điện ảnh Việt Nam với tư cách vừa là ngành văn hóa nghệ thuật, vừa là ngành dịch vụ văn hóa, nghành kinh tế trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Đối với dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), các đại biểu đã tập trung phân tích những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật thi đua, khen thưởng. Đồng thời cho rằng việc sử đổi luật này là rất cần thiết, phù hợp với các quy định trong điều kiện hiện nay. Các đại biểu cũng tập trung thảo luận về nội dung, tiêu chí xét tặng danh hiệu thi đua, việc công nhận danh hiệu thi đua; một số quy định về tiêu chuẩn khen thưởng, quy định thủ tục, hồ sơ khen thưởng đối với cá nhân, tổ chức. Một số đại biểu đề nghị cần làm rõ mối quan hệ giữa thi đua, khen thưởng nhằm tạo động lực phát triển phong trào thi đua và làm rõ thêm yếu tố tiêu chuẩn để nhận danh hiệu thi đua xã tiêu biểu, phường, thị trấn tiêu biểu; thôn, làng, bản, ấp tiêu biểu.

Chiều cùng ngày, Quốc hội nghe, xem xét các báo cáo của Chính phủ về: công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021; Báo cáo công tác năm 2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021; nghe xem xét tờ trình dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Các đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Tổng Thanh tra Chính phủ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Tin, ảnh: Ngọc Hưng

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/chinh-tri/trong-tinh/doan-dbqh-tinh-thao-luan-ve-du-an-luat-dien-anh-sua-doi-va-luat-thi-dua-khen-thuong-sua-doi-150675.html