ĐOÀN ĐBQH TỈNH THỪA THIÊN - HUẾ: CẦN TẬP TRUNG HỖ TRỢ CỘNG ĐỒNG DOANH NGHIỆP SAU DỊCH COVID-19

Tại phiên thảo luận ngày 07/01, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Quốc hội, Chính phủ tập trung hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp bị ảnh hưởng do đại dịch Covid 19. Việc hỗ trợ cần đảm bảo trọng tâm, hiệu quả cũng như đơn giản hóa thủ tục để các đối tượng có thể thuận tiện trong quá trình tiếp cận.

 Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế tham gia phiên thảo luận ngày 07/01

Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế tham gia phiên thảo luận ngày 07/01

Năm 2021 khép lại ghi dấu sự tăng trưởng ổn định của ngành công nghiệp của tỉnh Thừa Thiên - Huế với giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 38.500 tỷ đồng nhờ làm tốt công tác phòng chống dịch tại khu công nghiệp. Tuy nhiên, lĩnh vực du lịch - dịch vụ chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 khi lượng khách du lịch giảm mạnh, ước đạt 1 - 1,2 triệu lượt khách, đạt 50% kế hoạch và giảm 30 - 40% so với cùng kỳ.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng gói hỗ trợ cần tính đến nhóm đối tượng thuộc lĩnh vực du lịch - dịch vụ nhiều hơn. Các chính sách cần thông thoáng, tạo điều kiện cho những lao động trong lĩnh vực này vượt qua nỗi lo ngại dịch bệnh khi du khách trở lại, cùng Nhà nước bắt tay làm ấm môi trường du lịch sau thời gian “ngủ đông” do dịch Covid-19.

Bên cạnh các định hướng đặt ra cần làm rõ mối quan hệ biện chứng giữa chính sách tài khóa tiền tệ với việc thúc đẩy, phục hồi kinh tế xã hội cụ thể hơn để dự lượng rủi ro có thể xảy ra. Nội dung chi tiết chính là chính sách thuế, phí miễn giảm đối với doanh nghiệp và người dân trong phạm vi điều chỉnh thì rất mong bổ sung miễn giảm tiền thuê đất với lĩnh vực du lịch - dịch vụ, lĩnh vực chịu tác động rất lớn của Covid-19 và những tác động khác kéo theo.

Theo ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế, cộng đồng doanh nghiệp đang rất khát nguồn vốn. Tuy nhiên, về tổng thể các gói hỗ trợ cần tính toán thực hiện được mục tiêu khơi thông được dòng tiền trong thị trường, qua đó đảm bảo phát triển bền vững. Về lâu dài chúng ta phải thúc đẩy dòng tiền cho đầu tư ngược lại vào doanh nghiệp. Tại Thừa Thiên Huế Huế có 2 nhóm, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 95% rất cần hỗ trợ, doanh nghiệp lớn thì chống chọi tốt hơn. Khi hỗ trợ thì các doanh nghiệp phải thay đổi quy trình và mô hình sản xuất để phát triển bền vững hơn trong tương lai.

Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư nâng cấp hệ thống hồ đập, phòng chống thiên tai, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cho các tỉnh, thành khu vực miền Trung. Thực tế cho thấy thời gian qua khu vực này đã và đang bị tổn thương nghiêm trọng do thiên tai cực đoan và cần sự hỗ trợ để giảm nhẹ hậu quả thiên tai gây ra trong tương lai./.

Tiểu Bảo

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=61685