Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Ngọc Lặc theo chuyên đề về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Sáng 23-2, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa gồm các đại biểu: Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc Hội; Cao Mạnh Linh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; Bùi Mạnh Khoa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Cầm Thị Mẫn, ĐBQH chuyên trách; Phạm Thị Xuân, Thư ký Tòa án Nhân dân huyện Quan Hóa, đã có buổi tiếp xúc cử tri huyện Ngọc Lặc theo chuyên đề đóng góp ý kiến đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Tham dự buổi tiếp xúc có đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường; Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.
Trên cơ sở nội dung cần đóng góp ý kiến được đại diện ĐBQH thông tin tới cử tri cũng như qua nghiên cứu Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), cử tri huyện Ngọc Lặc cơ bản nhất trí và đánh giá cao sự cần thiết ban hành Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Cử tri huyện Ngọc Lặc cho rằng, Dự thảo Luật Đất đai 2023 đã chú trọng giải quyết một số tồn tại, hạn chế liên quan đến quy hoạch, sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường...
Để hoàn thiện dự thảo Luật bảo đảm khoa học, đồng bộ, chất lượng, khả thi, hiệu quả, cử tri huyện Ngọc Lặc đã đề xuất nhiều vấn đề liên quan đến thu hồi đất, chuyển nhượng, thế chấp; xử lý đất có nguồn gốc nông, lâm trường, tranh chấp đất đai…
Theo đó, cử tri đề nghị bổ sung quy định cụ thể về xác định diện tích đất ở đối với trường hợp sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất mà đất đã sử dụng ổn định từ trước ngày 18-12-1980 tại Khoản 5, Điều 139 của Dự thảo Luật. Xem xét, điều chỉnh lại quy định thời điểm tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tại Khoản 3, Điều 150 của Dự thảo Luật. Xem xét, bổ sung quy định cụ thể về định mức thỏa thuận tối đa đối với việc sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất tại Điều 128 của Dự thảo Luật.
Cử tri cũng đề nghị sửa đổi nội dung đoạn thứ 2 của Khoản 4, Điều 224 thành: Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới hoặc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Cử tri huyện Ngọc Lặc cho rằng, nên bỏ quy định về đối tượng là “Hộ gia đình sử dụng đất”; quy định tại Điều 4 của Dự thảo Luật chưa phù hợp với nguyên tắc áp dụng pháp luật khi có quy định khác nhau về cùng một vấn đề quy định tại Khoản 3, Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Do đó, đề nghị điều chỉnh lại quy định để có sự thống nhất giữa hai Luật.
Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai (Điều 225), cử tri đề nghị nêu rõ trách nhiệm của UBND các cấp trong việc cung cấp hồ sơ có liên quan, nhất là các vụ việc tranh chấp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định…
Phát biểu tiếp thu các ý kiến góp ý của cử tri tại hội nghị, ĐBQH chuyên trách Cầm Thị Mẫn nhấn mạnh vai trò quan trọng của Luật Đất đai đối với sự phát triển kinh - xã hội của đất nước. Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của Nhân dân, tạo sự đồng thuận của Nhân dân và thể hiện nguyện vọng của Nhân dân phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Tạo sự thống nhất và đồng thuận của Nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai. Nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm của các tầng lớp Nhân dân.
ĐBQH chuyên trách Cầm Thị Mẫn ghi nhận, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các cử tri đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật để phản ánh với Ban soạn thảo và đóng góp ý kiến với Quốc hội tại kỳ họp tới.