Đoán định lộ trình lãi suất của các Ngân hàng trung ương
Năm 2024 đã chứng kiến đợt cắt giảm lãi suất đồng bộ lớn nhất trong 15 năm của các Ngân hàng trung ương (NHTW) trên toàn cầu khi lạm phát được kiểm soát. Nhưng hiện tình hình đã thay đổi với nhiều yếu tố bất định khiến cho lộ trình lãi suất của các NHTW sẽ có sự phân hóa.
Những động thái đầu tiên về lãi suất của các NHTW trong năm 2025 cho thấy đây sẽ là năm mà một số NHTW quan trọng, ở cả các nền kinh tế phát triển và mới nổi trên thế giới, có thể sẽ di chuyển theo những hướng khác nhau trong một thời gian.

Lãi suất chính sách của các NHTW G10 vào ngày 4/2/2025 và lãi suất ngụ ý của thị trường vào cuối tháng 7/2025
Với các NHTW của 10 nền kinh tế phát triển đang giám sát các loại tiền tệ được giao dịch nhiều nhất trên thế giới (G10), có 3 trong số 4 NHTW đã họp vào tháng trước là NHTW Thụy Điển (Risksbank), NHTW châu Âu (ECB) và NHTW Canada (BoC) - tiếp tục chu kỳ cắt giảm lãi suất của mình; trong khi NHTW Nhật Bản (BoJ) đã thực hiện lần tăng lãi suất thứ hai trong vòng chưa đầy một năm.
Trong số các NHTW còn lại, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và NHTW Na Uy (Norges Bank) đều giữ nguyên lãi suất; trong khi Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA), Ngân hàng Dự trữ New Zealand và NHTW Thụy Sĩ không tổ chức họp. NHTW Anh cũng đã cắt giảm tiếp lãi suất tại cuộc họp chính sách tháng 2.
Tất cả diễn ra khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng với những kế hoạch thuế quan mà theo giới chuyên gia, có thể đe dọa đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu và đẩy lạm phát gia tăng. NHTW Canada đã cảnh báo cụ thể về những nguy cơ đối với nền kinh tế của mình và ngay cả Fed cũng muốn chờ xem những động thái chính sách mới của chính quyền ông Trump.
Với 18 thị trường mới nổi mà Reuters khảo sát, có 12 NHTW nhóm họp trong tháng đầu năm và 6 NHTW không họp. Trong số các NHTW tổ chức họp, có 3 NHTW cắt giảm lãi suất và 1 NHTW tăng lãi suất, 6 NHTW giữ nguyên lãi suất.
Cụ thể NHTW Thổ Nhĩ Kỳ đã cắt giảm lãi suất tới 250 điểm cơ bản, song mức lãi suất vẫn còn cao ngất ngưởng là 45%; trong khi NHTW Nam Phi và NHTW Indonesia đã lựa chọn các động thái tối thiểu là cắt giảm một phần tư điểm phần trăm.
Ngược lại, Brazil, quốc gia không có nhiều thuận lợi do lo ngại về gánh nặng nợ nần, đã tăng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản trong cuộc họp thứ hai liên tiếp và lên kế hoạch tăng thêm một lần nữa vào tháng 3. Theo đó, Ủy ban thiết lập lãi suất của NHTW Brazil, được gọi là Copom, đã nhất trí tăng chi phí đi vay lên 13,25% tại cuộc họp đầu tiên với tân Thống đốc Gabriel Galipolo. Trong khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã giữ nguyên chính sách tiền tệ tại cuộc họp đầu năm.
Quay trở lại các nền kinh tế lớn, ngoại trừ Nhật Bản, hầu hết các quốc gia dự kiến sẽ tiếp tục hạ chi phí đi vay trong năm nay. Các quốc gia ở Châu Âu, Canada và Australia có vẻ sẽ giảm lãi suất mạnh nhất, đặc biệt là nếu chish sách thuế quan của ông Trump gây ra một cuộc chiến thương mại.