Đoàn giám sát của Quốc hội giám sát việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại tỉnh

Chiều 4/7, đoàn giám sát của Quốc hội do đồng chí Vũ Hồng Thanh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội làm trưởng đoàn đã giám sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững và phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại tỉnh Hòa Bình. Làm việc với đoàn có các đồng chí: Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh; các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố.

Đồng chí Vũ Hồng Thanh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu tại cuộc giám sát.

Thời gian qua, triển khai các chương trình MTQG, tỉnh ta đã thể chế các cơ chế, chính sách và ban hành văn bản quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện bám sát các quy định văn bản, hướng dẫn của T.Ư và có cách tiếp cận sáng tạo, phù hợp trong tổ chức thực hiện. Các cơ quan chủ trì các chương trình đã chủ động triển khai lĩnh vực phụ trách đảm bảo kịp thời về tiến độ, tuân thủ theo hướng dẫn của Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư.

Các chương trình MTQG được triển khai đã góp phần quan trọng phát triển KT - XH. Đến tháng 6/2023, toàn tỉnh có 73/129 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 56,6%, bình quân đạt 16 tiêu chí/xã; có 21 xã NTM nâng cao, 1 xã NTM kiểu mẫu... Tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 giảm còn 12,29%, tỷ lệ giảm nghèo giảm 3,2%, đạt 128% kế hoạch giao; hộ cận nghèo chiếm 10,03% so với tổng số hộ trên địa bàn, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 0,62% so với năm 2021. Toàn tỉnh có 74 xã thuộc khu vực I; 12 xã thuộc khu vực II; 59 xã thuộc khu vực III; 507 thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai, tỉnh gặp một số khó khăn, vướng mắc như việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc từng chương trình để các địa phương triển khai thực hiện chưa kịp thời. Nguồn vốn giao chậm đã ảnh hưởng đến giao chi tiết và thực hiện kế hoạch vốn tại địa phương. Nguồn vốn đối ứng ngân sách địa phương có tỷ lệ cao, ảnh hưởng đối với các tỉnh có KT-XH còn khó khăn; việc huy động các nguồn lực ngoài ngân sách của tỉnh còn hạn chế...

Tỉnh ta kiến nghị Quốc hội nghiên cứu cho phép kéo dài thời gian thực hiện giải ngân nguồn vốn các Chương trình MTQG kế hoạch năm 2023 sang năm 2024 (bao gồm cả kế hoạch của năm 2022 chuyển sang năm 2023) để đảm bảo tiến độ thực hiện theo quy định. Sớm sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản hướng dẫn cụ thể để triển khai các nội dung, tiểu dự án, dự án thành phần của các chương trình MTQG. Xem xét điều chỉnh lại chỉ tiêu giao cho tỉnh đến năm 2025 có 33 xã và 50% số thôn, xóm thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn do tỉnh Hòa Bình có xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng và giao thông liên vùng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Ủy ban Dân tộc sớm tham mưu ban hành tiêu chí đánh giá, xác định thôn, xóm thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn để tỉnh có cơ sở đánh giá....

Phát biểu tại cuộc giám sát, đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: 3 chương trình MTQG có vị trí quan trọng, là nguồn lực to lớn góp phần phát triển KT-XH của tỉnh. Đối với Hòa Bình, việc triển khai các chương trình MTQG đã được thực hiện một cách bài bản, có hiệu quả. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ nỗ lực hết sức triển khai giải ngân các chương trình MTQG. Đề nghị các bộ, ngành tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục đầu tư đối với các chương trình; xây dựng các văn bản đồng bộ, thống nhất trong quá trình triển khai và phải có hướng dẫn việc lồng ghép các chương trình MTQG...

Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Vũ Hồng Thanh đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo và những nỗ lực của tỉnh trong việc triển khai thực hiện 3 chương trình MTQG trên địa bàn. Đồng chí đề nghị tỉnh chỉ đạo tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn các chương trình, hạn chế thấp nhất việc chuyển nguồn sang năm 2024. Quan tâm kiện toàn và phát huy vai trò thành viên Ban chỉ đạo thực hiện các chương trình MTQG các cấp. Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa UBND tỉnh với các bộ, ngành T.Ư và phối hợp giữa các sở, ngành với các huyện nhằm khơi thông vướng mắc các thủ tục đầu tư.

Đồng chí trưởng đoàn giám sát tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của tỉnh để tổng hợp báo cáo trình Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư xem xét giải quyết.

Trước đó trong buổi sáng, đoàn giám sát của Quốc hội đã khảo sát thực tế tại huyện Đà Bắc.

Đinh Hòa

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/50/179613/doan-giam-sat-cua-quoc-hoi-giam-sat-viec-thuc-hien-cac-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-tai-tinh.htm