ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI HUYỆN CHƯ PĂH (GIA LAI) VỀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
Chiều 17/7, tại Gia Lai, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội do đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn.
Tham gia cùng Đoàn giám sát về phía Quốc hội có các Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: Quàng Văn Hương, Nguyễn Lâm Thành; các thành viên Đoàn giám sát và Tổ giúp việc Đoàn giám sát... Về phía tỉnh Gia Lai có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Thị Thanh Lịch, Dương Mah Tiệp cùng đại diện các sở, ban ngành có liên quan.
Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Păh Nguyễn Ngọc Thanh cho biết, huyện có 14 xã, thị trấn với 109 thôn, làng, tổ dân phố, trong đó có 41 thôn, làng đặc biệt khó khăn. Trên địa bàn huyện có 26 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 55,1%.
Về công tác quản lý, điều hành các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) thời gian qua trên địa bàn huyện được thực hiện thống nhất, đồng bộ, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân; xây dựng được hệ thống dữ liệu, bộ công cụ theo dõi giám sát, đánh giá quá trình thực hiện. Hiệu quả các CTMTQG đã góp phần quan trọng vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và hoàn thiện các thiết chế hạ tầng kinh tế-xã hội cơ bản ở nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận ngày càng tốt hơn đến các dịch vụ cơ bản của xã hội.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm trên địa bàn huyện đạt 13,05%; ngành công nghiệp-xây dựng tăng 16,52%; ngành thương mại-dịch vụ tăng 17,57%. Tỷ trọng các ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông-lâm-thủy sản, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và ngành dịch vụ. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2022 đạt 47,5 triệu đồng/người/năm.
Toàn huyện có 4 xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới và 3 làng đạt chuẩn xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đến cuối năm 2022, toàn huyện còn 1.842 hộ nghèo (chiếm 9,84 %), trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số 1.742 hộ (chiếm 16,41%); 3.260 hộ cận nghèo (chiếm 15,83 %), trong đó cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số 2.715 hộ (chiếm 25,73 %).
Về tổng kế hoạch vốn thực hiện 3 CTMTQG giai đoạn 2021-2025 là trên 167 tỷ đồng (ngân sách Trung ương gần 163 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 1,331 tỷ đồng, dự phòng ngân sách huyện 2,947 tỷ đồng). Tổng kế hoạch vốn thực hiện các chương trình MTQG năm 2023 là 60,894 tỷ đồng; tuy nhiên, đến nay chưa giải ngân vì nguồn vốn mới giao.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo UBND huyện Chư Păh đã nêu rõ các khó khăn, bất cập trong việc triển khai thực hiện các chương trình. Cụ thể, đời sống hộ đồng bào dân tộc thiểu số một số xã còn nhiều khó khăn; nguồn vốn ngân sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới còn hạn chế... đã ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng làng, xã đạt chuẩn nông thôn mới. Một số văn bản hướng dẫn chưa cụ thể, rõ ràng; đối tượng thụ hưởng còn chồng chéo nên khó khăn cho việc triển khai thực hiện đối với chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.
Riêng đối với CTMTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đại diện lãnh đạo UBND huyện Chư Păh cho rằng, việc lập các thủ tục hồ sơ thiết kế, dự toán, phê duyệt dự toán, thủ tục thanh quyết toán về nội dung nhà ở theo đầu tư công phức tạp, khó thực hiện; việc quản lý và sử dụng kinh phí cho hoạt động xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện theo các thông tư hướng dẫn, tuy nhiên kinh phí phân cấp không thể đáp ứng đủ với mức chi thực tế...
Đại diện lãnh đạo huyện Chư Păh nêu đề xuất: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24-6-2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19-4-2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG. Do đó, đề nghị các Bộ, ban, ngành của Trung ương có liên quan sớm ban hành hướng dẫn mới sửa đổi, bổ sung những bất cập để UBND huyện Chư Păh triển khai thực hiện các CTMTQG đảm bảo hiệu quả, kịp thời, tuân thủ theo đúng quy định. Đề nghị Trung ương hàng năm phân bổ kế hoạch vốn sự nghiệp thực hiện CTMTQG sớm để địa phương chủ động trong bố trí ngân sách địa phương đối ứng thực hiện chương trình...
Trên cơ sở khảo sát, nắm bắt tình hình thực tế việc triển khai thực hiện 3 CTMTQG tại 2 xã Đak Tơ Ve và Ia Kreng và làm việc với huyện Chư Păh, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm ghi nhận và đánh giá cao kết quả thực hiện các CTMTQG trên địa bàn huyện. Đối với những đề xuất, kiến nghị của địa phương, Đoàn giám sát của Quốc hội sẽ tổng hợp, từ đó có cơ sở để báo cáo trình Quốc hội, Chính phủ sớm có giải pháp tháo gỡ để việc triển khai thực hiện các chương trình kịp thời, hiệu quả, toàn diện, đúng đối tượng thụ hưởng.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị huyện tiếp thu ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát và nỗ lực, quyết tâm, tiếp tục lựa chọn cách làm phù hợp để triển khai thực hiện các CTMTQG thời gian tới đảm bảo kế hoạch đề ra.
Nhân dịp này, Đoàn giám sát của Quốc hội đã tặng 30 phần quà cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại 2 xã: Ia Kreng và Đăk Tơ Ver.
Một số hình ảnh của Đoàn giám sát Quốc hội tại Gia Lai:
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=78002