Sửa đổi Luật Điện lực: Từ thông điệp của Tổng Bí thư đến gỡ điểm nghẽn cho kỷ nguyên mới (Bài 4)

Luật Điện lực (sửa đổi) đã giải quyết cơ bản các điểm nghẽn được chỉ ra trong báo cáo giám sát thực thi chính sách phát triển năng lượng 2016-2021 của Quốc hội.

Nhằm tìm hiểu rõ hơn về quá trình giám sát “Việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” để từ đó có căn cứ khoa học và thực tiễn phục vụ cho công tác thẩm tra dự án Luật Điện lực (sửa đổi), phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với đại biểu Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, thành viên Đoàn giám sát“Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”.

Thưa ông, kết quả của công tác giám sát về thực thi chính sách phát triển năng lượng đã mang lại những căn cứ khoa học, thực tiễn như thế nào cho quá trình thẩm tra, rà soát, chỉnh lý dự án Luật Điện lực (sửa đổi)?

Thưa ông, kết quả của công tác giám sát về thực thi chính sách phát triển năng lượng đã mang lại những căn cứ khoa học, thực tiễn như thế nào cho quá trình thẩm tra, rà soát, chỉnh lý dự án Luật Điện lực (sửa đổi)?

Như chúng ta đã biết, Luật Điện lực năm 2004, sau gần 20 năm triển khai thi hành và qua 04 lần sửa đổi, bổ sung một số điều, đến giai đoạn hiện nay cần thiết phải được sửa đổi toàn diện Luật để kịp thời điều chỉnh những vấn đề phát sinh trong thực tiễn hoạt động điện lực và sử dụng điện.

Điện có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng. Điện là loại hàng hóa đặc biệt, không phải dư thì cho vào kho đóng bao để dành được, nhu cầu của nền kinh tế cần bao nhiêu chúng ta phải đáp ứng được bấy nhiêu, theo tính toán chung khi nền kinh tế tăng trưởng 1 thì nhu cầu về điện phải tăng trưởng 1,5. Theo dự báo thì những năm tiếp theo, ngành điện phải đảm bảo tăng trưởng trên 10% mới đáp ứng được nhu cầu phát triển nền kinh tế đất nước.

Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2021 – 2030 tầm nhìn 2050 đặt ra mục tiêu lớn về nguồn và lưới điện nhằm đáp ứng 2 yêu cầu: Đảm bảo an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng thành công. Đây là những mục tiêu hết sức thách thức đòi hỏi phải có giải pháp đột phá. Việc sửa đổi Luật Điện lực lần này là một cơ hội để tạo ra những giải pháp đột phá đó.

Nhằm đánh giá khách quan, trung thực, đầy đủ và toàn diện việc Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021, làm rõ những hạn chế, bất cập, nguyên nhân khách quan, chủ quan, từ đó đề xuất giải pháp hoàn thiện và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, làm tiền đề quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh. Tháng 8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thành lập Đoàn Giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”.

Hoạt động của Đoàn Giám sát và Bộ Công Thương về chính sách phát triển năng lượng (Ảnh: Nghĩa Đức - Cấn Dũng)

Hoạt động của Đoàn Giám sát và Bộ Công Thương về chính sách phát triển năng lượng (Ảnh: Nghĩa Đức - Cấn Dũng)

Đoàn Giám sát đã tổ chức giám sát thực tế tại 11/11 địa phương, làm việc với Chính phủ, 10/10 bộ, ngành, 03/03 tập đoàn năng lượng, 07 hội, đặc biệt Đoàn giám sát có chương trình khảo sát, học tập tại Australia, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và nhiều vòng tham vấn chuyên gia, nhà khoa học…

Từ kết quả giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 937/NQ-UBTVQH15 ngày 13/12/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Giám sát chuyên về thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021", trong đó xác định rõ hệ thống giải pháp đồng bộ cho cả trước mắt và lâu dài, các giải pháp cần làm ngay trong giai đoạn 2024 – 2025. Từ đó làm căn cứ, cơ sở để thực hiện các mục tiêu Bộ Chính trị đã đề ra tại Nghị quyết số 55 – NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Vậy cụ thể những giải pháp nào được Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu thực hiện ngay thưa ông?

Trên cơ sở Báo cáo kết quả của Đoàn giám sát , Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, trong năm 2024, phải đánh giá, rà soát, cập nhật tình hình triển khai Quy hoạch điện VIII để điều chỉnh kịp thời đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội với chi phí hợp lý, phù hợp với khả năng bố trí nguồn lực, năng lực, trình độ công nghệ; rà soát để bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia.

Năm 2025, mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 7%, nên tăng trưởng điện cần phải đạt từ 12 - 13% (Ảnh: CTV)

Năm 2025, mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 7%, nên tăng trưởng điện cần phải đạt từ 12 - 13% (Ảnh: CTV)

Đồng thời, trình Quốc hội thông qua Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở thu hút đầu tư phát triển hợp lý điện khí, năng lượng tái tạo, sản xuất nhiên liệu hydro… Khẩn trương xây dựng chính sách hỗ trợ, đột phá để phát triển điện gió ngoài khơi, kết hợp với triển khai Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu nghiên cứu, ban hành cơ chế giá phát điện nhằm khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh nguồn điện năng lượng tái tạo, trong đó có điện rác và điện sinh khối; xử lý dứt điểm vướng mắc các dự án điện gió, điện mặt trời giai đoạn trước… Sớm luật hóa việc điều hành giá bán lẻ điện theo tinh thần “xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định”…

Qua theo dõi, tôi nhận thấy, ngay trong quá trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương cũng đã triển khai thực hiện một số giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế trong phát triển năng lượng.

Vậy theo đánh giá của đại biểu, những nội dung sửa đổi của Luật đối với các điểm nghẽn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra trong báo cáo giám sát đã được giải quyết như thế nào?

Từ kết quả của báo cáo giám sát và thực tiễn trong quá trình triển khai chính sách phát triển điện lực, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã quyết định đưa dự án Luật Điện lực (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Luật Điện lực (sửa đổi) nhằm tháo gỡ điểm nghẽn trong phát triển điện lực (Ảnh: TH)

Luật Điện lực (sửa đổi) nhằm tháo gỡ điểm nghẽn trong phát triển điện lực (Ảnh: TH)

Là thành viên của Đoàn giám sát và là đại biểu Quốc hội, tôi đánh giá cao sự nỗ lực của cơ quan thẩm tra mà cụ thể ở đây là Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương tổ chức nhiều cuộc khảo sát, tổ chức hội nghị, hội thảo, làm việc với doanh nghiệp, lấy ý kiến chuyên gia đóng góp ý kiến hoàn thiện.

Nghị quyết số 937/NQ-UBTVQH15 ngày 13 tháng 12 năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021 đã đặt ra nhiệm vụ, giải pháp về việc cần có cơ chế giá điện phù hợp…; trong năm 2024, đánh giá, rà soát, cập nhật tình hình triển khai Quy hoạch điện VIII để điều chỉnh kịp thời đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội với chi phí hợp lý, phù hợp với khả năng bố trí nguồn lực, năng lực, trình độ công nghệ. … Khẩn trương xây dựng chính sách hỗ trợ, đột phá để phát triển điện gió ngoài khơi…

 Để GDP Việt Nam tăng trưởng 1%, điện phải đi trước, tăng trưởng 1,5-1,8%. (Ảnh: Thu Hường- Mạnh Hùng)

Để GDP Việt Nam tăng trưởng 1%, điện phải đi trước, tăng trưởng 1,5-1,8%. (Ảnh: Thu Hường- Mạnh Hùng)

Nghị quyết 937 cũng yêu cầu cần phải hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng tái tạo, trọng tâm là các cơ chế về điện gió ngoài khơi. Từ đó, chuẩn bị các điều kiện bảo đảm thực hiện lộ trình chuyển đổi năng lượng theo hướng bền vững…

Qua nghiên cứu dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, tôi thấy dự thảo luật đã đưa ra 6 nhóm chính sách lớn về: Quy hoạch; Phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới; Hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực; Quản lý hoạt động mua bán điện; Quản lý, vận hành hệ thống điện; An toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện. Trên cơ sở nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận Tổ và tại Hội trường, tại phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 14/11, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã có báo cáo về một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi). Theo báo cáo của Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tại phiên họp, dự thảo Luật đã được rà soát, lược bỏ cơ bản các quy định cụ thể, chi tiết thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ trưởng, các quy định về thủ tục hành chính, chỉ giữ lại các quy định thuộc thẩm quyền của Quốc hội và luật hóa một số nội dung cần thiết; đã được rút ngắn từ 130 điều xuống còn 88 điều.

Tôi được biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau khi xem xét chất lượng tiếp thu dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã thống nhất với ý kiến của đa số Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường là trình Quốc hội xem xét thông qua dự án luật này tại Kỳ họp thứ 8.

Xin cảm ơn ông!

Thu Hường - Hồng Thịnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/sua-doi-luat-dien-luc-tu-thong-diep-cua-tong-bi-thu-den-go-diem-nghen-cho-ky-nguyen-moi-bai-4-359515.html